![]() |
Đi bộ qua đường mà gây tai nạn cho người khác có thể bị phạt tù. |
Theo hồ sơ vụ án, 21h15 ngày 17/7, chị Yên trong lúc băng qua đường trên cầu Ông Lãnh đã va chạm với xe máy do anh Phạm Văn Vân điều khiển. Anh Vân bị đổ xe, thương nặng và chết trên đường đến bệnh viện. Sau khi khám nghiệm hiện trường, cảnh sát giao thông khẳng định chị Yên đã qua đường không đúng nơi quy định. Hơn nữa, chị Yên đi qua phía dốc lên cầu, nên nguy hiểm hơn.
Trao đổi với VnExpress sáng nay, ông Trần Trung Trọng, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông quận 1, khẳng định: "Người đi đường nếu đi đúng phần quy định thì sẽ được ưu tiên. Ngược lại, không đi đúng phần đường ưu tiên mà còn gây tai nạn nghiêm trọng thì tất nhiên sẽ bị truy tố theo đúng luật định".
Phòng Cảnh sát giao thông cho biết có hai lỗi phổ biến mà người đi bộ thường mắc phải: Đi không đúng phần vạch sơn dành riêng cho người đi bộ; đi đúng vạch sơn nhưng không đúng hiệu lệnh đèn giao thông. Tuy nhiên cảnh sát giao thông chưa chú ý vi phạm của người đi bộ mà thường chỉ chú trọng đến việc phạt lỗi các xe cơ giới. Hơn nữa, với những vụ tai nạn giao thông xảy ra giữa xe cơ giới và người đi bộ, thường có dư luận rằng lỗi luôn thuộc về người điều khiển xe, và thực tế mới chỉ có người đi xe máy, lái ôtô phải chịu trách nhiệm hình sự.
Nhận xét về việc cảnh sát điều tra quận 1 khởi tố người đi bộ gây tai nạn, luật sư Trịnh Thanh - Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia Việt Nam - cho rằng, như vậy có thể là quá nặng. Sai phạm của chị Yến chỉ ở mức xử lý hành chính. Theo ông, người tham gia giao thông phải đang ở trạng thái tĩnh (dừng, đậu xe, đào đường trái phép...) thì mới coi là phạm tội cản trở giao thông đường bộ như quy định của Điều 203 Bộ luật Hình sự. Chị Yến có sai luật khi băng qua đường dành cho phương tiện cơ giới và có gây hậu quả nghiêm trọng là chết người, nhưng cũng không đủ cấu thành tội này.
Tuy nhiên, luật sư Trịnh Thanh thừa nhận người đi bộ trái luật cũng là nguồn nguy hiểm cao độ, giống như bất cứ phương tiện giao thông nào khác. Vì vậy, cần bổ sung thêm vào Điều 203 hành vi lưu thông trái luật, gây hậu quả nghiêm trọng của người đi bộ.
Điều 203: Tội cản trở giao thông đường bộ1. Người nào có một trong các hành vi sau đây cản trở giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Đào, khoan, xẻ trái phép các công trình giao thông đường bộ;
b) Đặt trái phép chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường bộ;
c) Tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, các thiết bị an toàn giao thông đường bộ;
d) Mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có giải phân cách;
đ) Lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường;
e) Lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ;
g) Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ;
h) Hành vi khác gây cản trở giao thông đường bộ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Tại các đèo, dốc và đoạn đường nguy hiểm;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
Cao Tuấn - Minh Thương