Bày tỏ vui mừng khi vụ án Huỳnh Văn Nén vừa được kháng nghị xem xét lại, anh Nguyễn Phúc Thành (35 tuổi, thị xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, Bình Thuận) cho biết, hơn 14 năm trước, anh cùng Nguyễn, Hồ và một số thanh niên tại địa phương chơi khá thân với nhau. Nhóm giang hồ "vườn" lúc đó thường rủ nhau đi cướp hoặc chặn xe khách chạy qua địa bàn để lấy tiền tụ tập hút bồ đà, ăn chơi.
"Hôm bà Bông (Lê Thị Bông, thường gọi bà là Năm Tép) bị sát hại và bị cướp nhẫn vàng, chính Nguyễn và Hồ đã tìm gặp và kể lại việc gây án", anh Thành nói.
Dù vụ việc diễn ra đã 16 năm nhưng anh Thành tỏ ra nhớ đến từng chi tiết. Anh kể, khoảng 7-8h sáng 24/4/1998, Nguyễn mặc chiếc quần jean màu xám, vẻ mặt khá nghiêm trọng khi gặp anh, bảo đã giết bà Bông vào đêm hôm trước. Ngay sau đó, Nguyễn kéo anh Thành sang nhà Hồ ở cách đó một căn để kể lại vụ việc.
Theo đó, mục tiêu ban đầu của Nguyễn và Hồ là chị Hồng (còn gọi là Gái, con ruột bà Bông) vì chị này đeo nhiều vòng vàng. Đêm 23/4/1998, sau cuộc nhậu, Nguyễn và Hồ đến nhà bà Bông phục sẵn. Họ lấy 2 con dao trong nhà cắt sợi dây dù buộc chiếc gàu ở giếng nước làm hung khí. Trong lúc nằm chờ, do ngấm rượu nên cả hai ngủ quên.
Đến khuya, bà Bông về phát hiện hai thanh niên đang ngủ trong nhà mình nên gọi dậy, đuổi đi. "Khi bà này vừa quay lưng thì Nguyễn đi theo choàng sợi dây dù cổ, siết mạnh. Biết chủ nhà đã chết, anh ta lấy chiếc chăn mỏng phủ từ ngực lên mặt. Trước khi rời hiện trường Nguyễn đã tuốt chiếc nhẫn trên ngón tay nạn nhân", anh Thành nói.
Thành cho hay, lúc đó nghe hai người bạn kể việc gây án thì cũng chưa tin, vì không nghĩ chúng lại "cả gan đến vậy". Nhưng Nguyễn móc trong túi ra chiếc nhẫn, nói “lấy được của bà Năm đó” và chỉ vào ống quần được cho là vẫn còn dính máu nạn nhân. “Nguyễn nói khi tuốt chiếc nhẫn của bà Năm ra làm chảy máu tay và dính lên quần. Vì quần của nó màu xám nên không dễ nhìn ra vết máu, tôi phải nhìn gần mới biết”, anh Thành kể.
Sợ bị phát hiện nên Nguyễn bảo sẽ bỏ đi biệt xứ, lên Đăk Lăk đánh bẫy heo rừng và nhờ Thành gọi xe ôm giúp. Vẫn nghi ngờ lời kể của bạn, anh Thành qua chợ Tân Minh ăn sáng, rồi ghé qua nhà bà Bông (cách đó khoảng một km) thì thấy công an đang khám nghiệm hiện trường và mổ tử thi. Trên đường quay về, anh Thành gọi một người bạn hành nghề xe ôm tên Nghĩa qua chở anh và Nguyễn đi. Lúc đó, Hồ vẫn ở nhà không dám đi đâu.
Đến căn cứ 4 (Đồng Nai) thì cả ba dừng lại bên đường. Anh Thành cùng Nghĩa ngồi uống sữa đậu nành trong lúc chờ Nguyễn sang bên kia đường bán chiếc nhẫn vàng cướp được của bà Bông. Một lúc sau, Nghĩa tiếp tục chở cả hai đến căn cứ 3 (Đồng Nai). Tại đây, Nguyễn đưa cho anh Nghĩa 20.000 đồng đổ xăng rồi bắt xe khách, còn anh Thành và người xe ôm quay về.
“Về sau tôi thấy ông Nén bị giam lỏng trên xã, có hôm còn ghé qua nhà mang cơm lên cho ổng ăn. Lúc đó tôi còn nghĩ và cười thầm trong bụng, thằng giết người thì đã bỏ đi, còn người xỉn say tối ngày đi không nổi thì nói giết bà Năm", anh Thành kể.
"Tôi cũng ham chơi nên không nhớ đến ổng luôn. Mấy tháng sau do tham gia vụ đánh lộn và cưỡng đoạt tài sản nên tôi bị bắt, đưa đi cải tạo tại trại giam Sông Cái. Bẵng đi hai năm sau, tôi hỏi thăm những bạn tù vào sau về vụ việc thì mới hay ông Nén bị cáo buộc giết bà Bông cướp vàng, đang đối diện với bản án tử hình", Thành nói.
Người đàn ông từng đi tù này chia sẻ thêm, trong trại giam nghĩ đến việc có người đã nhận giết bà Bông và ông Nén bị cáo buộc là thủ phạm nên anh quyết định nói ra sự thật. Sau nhiều lần cán bộ trại giam tường trình vụ việc và lần nào cũng khớp nhau, anh được cho nghỉ lao động 3 ngày để làm đơn tố giác.
Anh Thành khẳng định đơn đã gửi cho trại giam vào ngày 26/8/2000, tức 5 ngày trước khi ông Nén bị đưa ra xét xử. Lá đơn sau đó được cán bộ trại giam chuyển lên Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp (Tổng cục 8, Bộ Công an.
Gần một tuần sau được mẹ vào thăm nuôi (ngày 2/9/2000) anh Thành tiếp tục nhờ bà mang một lá đơn về gửi cho ông Nguyễn Thận, Chủ tịch UBND xã Tân Minh, lúc bấy giờ để nhờ ông chuyển lên các cơ quan chức năng của tỉnh. Hôm sau, ông Thận đã nhận được thư tố giác của anh Thành nhưng lúc này ông Nén đã bị xét xử và tuyên phạt tù chung thân.
“Đơn của tôi cuối cùng cũng đến được tay những người tôi muốn gửi nhưng không hiểu sao vẫn không có ai phản hồi. Chỉ có một cán bộ điều tra vào trại gặp tôi khuyên nên rút đơn", anh Thành cho biết.
Anh Thành tâm sự, sau này mãn hạn tù, anh nhiều lần gặp và khuyên Hồ ra đầu thú nhưng anh này không chịu và còn đọa giết anh. “Nó bảo cứ kệ để cho công an tự điều tra. Lúc đó nó nghiện nặng và 3 năm trước đã chết do nhiễm HIV", Thành kể.
Video: Anh Thành kể về việc viết đơn tố giác
Ngày 31/8/2000, TAND tỉnh Bình Thuận tuyên phạt Huỳnh Văn Nén án chung thân về tội Giết người, 3 năm tù về tội Cướp tài sản và 2 năm về tội Hủy hoại tài sản. Tổng hợp hình phạt Nén phải nhận mức án tù chung thân.
Mới đây, hồi cuối tháng 10, VKSND Tối cao đã kháng nghị bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Thuận, đề nghị TAND Tối cao xét xử Giám đốc thẩm vụ án theo hướng hủy phần tội danh và hình phạt về tội Giết người, Cướp tài sản với Huỳnh Văn Nén, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại.
Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội, ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng VKSND Tối cao - cho biết, cơ quan này kháng nghị vụ án Huỳnh Văn Nén để xem xét lại những chi tiết chưa được làm rõ chứ không có nghĩa là khẳng định ông Nén không phạm tội.
Theo ông Vũ Hồ Thành, đại diện VKSND tỉnh Bình Thuận giữ quyền công tố tại phiên tòa xét xử Huỳnh Văn Nén 14 năm trước, tại thời điểm xét xử, tất cả các chứng cứ đều ổn. Tại tòa ông Nén nhận tội hết, không kêu oan. Ông Thành khẳng định, khi đưa ra xét xử không nhận được thông tin nào về việc có đơn tố giác tội phạm của anh Thành.
"Mãi sau tôi cũng có nghe loáng thoáng về việc này. Nhưng những gì thuộc trách nhiệm của mình, tôi đã giải quyết xong. Về nguyên tắc trách nhiệm của ai, bộ phận nào thì người đó, bộ phận đó giải quyết", ông Vũ Hồ Thành nói.
Là một trong ba hội thẩm nhân dân tham gia phiên tòa xét xử bị cáo Nén, ông Phan Tấn Khế nhớ lại, diễn biến phiên tòa hôm đó diễn ra bình thường. Ông Nén hoàn toàn khỏe mạnh và không có bất kỳ biểu hiện nào cho thấy bị oan.
"Trước khi xét xử tòa cũng hỏi bị cáo nội dung cáo trạng có đúng với diễn biến vụ việc không thì bị cáo nói 'có'. Quá trình khai cũng trơn tru không thấy dấu hiệu gì bất thường hay kêu oan", ông Khế nhớ lại và cho biết thêm vì là hội thẩm nên ông không có quan tâm nghiên cứu kỹ về chứng cứ. Nhưng nếu có những thiếu sót trong quá trình điều tra như bản kháng nghị của VKSND Tối cao thì cần phải xem xét lại để làm rõ.
Theo một nguồn tin, trước khi đưa ra bản kháng nghị xem xét lại vụ án Huỳnh Văn Nén bị cáo buộc giết bà Bông, một cán bộ VKSND Tối cao tại Hà Nội đã vào gặp anh Thành và anh Nghĩa xe ôm ngày xưa để xác minh.
Hải Duyên – Phước Tuấn
*Tên hai nhân vật bị tố giác đã được thay đổi.