Ông Đặng Quang Mạnh (Giám đốc Công ty TNHH Mạnh Cầm) nộp đơn khởi kiện ông Vương Chí Dũng (Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) lên TAND Hà Nội về quyết định xử lý vi phạm hành chính với doanh nghiệp này. Ngày 9/7, tòa đã thụ lý hồ sơ.
Theo đơn, tháng 2, Đội quản lý thị trường số 12 thuộc Chi cục kiểm tra giấy phép kinh doanh, ghi nhãn hàng hóa tại Công ty Mạnh Cầm. Ông Dũng sau đó thông tin rằng sữa Danlait không đạt chất lượng, không đủ 34% độ đạm.
Theo Giám đốc Mạnh thông tin trên được đưa ra khi chưa có kết quả kiểm tra về chất lượng sản phẩm. "Doanh nghiệp chỉ sai một lỗi duy nhất là ghi nhãn phụ chưa đúng theo quy định ghi nhãn hiện hành, nhưng ông Dũng đã cố tình đưa sự việc trầm trọng rằng vi phạm nhiều lỗi", ông Mạnh nêu trong đơn kiện.
Nguyên đơn cho rằng khi có kết quả kiểm tra của Viện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế) rằng "đạt chất lượng" nhưng Chi cục quản lý thị trường được cho là cố tình không thông báo cho doanh nghiệp và báo chí biết trong suốt hơn 3 tháng kể từ ngày công ty bị kiểm tra. Điều này gây tổn hại nặng cho uy tín, khiến doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản.
"Hàng hóa của công ty Mạnh Cầm bị Đội quản lý thị trường 12 thu giữ về để trong kho trong điều kiện không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi doanh nghiệp nhận lại thì không thể bán được", Giám đốc Mạnh nêu.
Theo đơn kiện, Giám đốc Công ty Mạnh Cầm yêu cầu vị Chi cục phó Quản lý thị trường Hà Nội phải công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng và yêu cầu Chi cục đền bù thiệt hại hơn 1,2 tỷ đồng.
Trưa 10/7, trao đổi qua điện thoại với VnExpress.net, lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, chưa nhận được đơn kiện nên không có ý kiến gì về việc này. "Ai kiện là quyền của người ta", vị này nói.
Chiều 21/2, sau khi thông tin về nghi án sữa rởm gắn mác Danlait được dư luận và báo chí phản ánh, Đội quản lý thị trường số 12 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã làm việc tại trụ sở tại Công ty TNHH Mạnh Cầm - đơn vị phân phối độc quyền sản phẩm này tại Việt Nam. Kết thúc buổi làm việc, quản lý thị trường thu giữ hơn 6.000 lon sản phẩm. Phía đơn vị quản lý thị trường tại thời điểm đó thông tin, sản phẩm này được đăng ký là thực phẩm bổ sung nhưng lại được bán ra thị trường với nhãn phụ là sữa. Theo quy chuẩn Việt Nam, sữa phải có hàm lượng đạm đạt từ 34% trở lên, nhưng các sản phẩm của Mạnh Cầm chỉ có độ đạm 11%-20%. Hàng nhập sản phẩm về Việt Nam với giá khoảng 4 euro, tương đương 110.000 đồng một hộp 400gram. Trong khi đó, giá công ty này bán ra cho các đại lý là khoảng 350.000 đồng... Ngày 20/2, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có văn bản khẳng định sữa dê Danlait ở các lứa tuổi của Công ty Mạnh Cầm nhập khẩu từ Pháp đã được cấp Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm ngày 17/1/2012. Trước nhiều nghi ngờ của người tiêu dùng cho rằng, sữa Danlait được nhập từ Trung Quốc và gắn nhãn Pháp, Cục An toàn thực phẩm khẳng định các sản phẩm sữa dê Danlait đều có nguồn gốc xuất xứ từ Pháp, ghi nhãn tiếng Pháp và có nhãn phụ tiếng Việt theo đúng quy định. Từng lô sản phẩm đều được Nhà nước kiểm tra về chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm dịch thú y, chưa có dấu hiệu doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm sữa dê từ Trung Quốc. |
Nam Anh