Ở nước ta nguồn duy nhất của pháp luật là văn bản pháp luật do Nhà nước ban hành. Cách tiếp cận này, Việt Nam học của nước ngoài, không chút gì là di sản do cha ông để lại. Nó có ưu điểm là bảo đảm “nói có sách, mách có chứng”, song cũng có thể dẫn đến tình trạng thẩm phán không biết xử kiều gì, hoặc “xử thế nào cũng được”. Bởi nhiều trường hợp, pháp luật thực định xuất hiện những lỗ hổng mà chưa kịp có quy định tương ứng khắc phục.
Theo tiến sĩ Dũng, chủ nghĩa thực chứng (positivism) trong pháp luật có nghĩa là tuyệt đối hóa vai trò của các văn bản quy phạm pháp luật thành văn, đánh đồng “văn bản pháp luật’ với “pháp luật”, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nó dẫn đến cái nhìn hẹp hòi, cứng nhằc khi thực thi và áp dụng pháp luật. Hơn thế, xu thế chung của chủ nghĩa thực chứng là chỉ nhìn thấy ở pháp luật những gì có lợi cho nhà nước, ít thấy cái lợi của công dân, do đó dễ dẫn đến độc tài.
Pháp luật – theo cách hiểu của tuyệt đại đa số các nước – không chỉ giới hạn trong văn bản mà bao gồm cả những nguyên tắc chung mà nhà lập pháp không cụ thể hóa trong quy phạm thực định, là thứ pháp luật đứng trên cả chủ nghĩa thực chứng, thậm chí ràng buộc quyền lực lập hiến và lập pháp. Ở nhiều nước, thẩm phán trong những trường hợp cần thiết không do dự áp dụng cả những nguyên tắc về trật tự đạo lý không ghi trong luật. Luật ở các nước châu Âu còn trang bị cho luật gia khái niệm “công lý”, chỉ dẫn họ đến các tập quán và thậm chí đến luật tự nhiên, hoặc đặt sự áp dụng luật phụ thuộc vào các tiêu chuẩn về nếp sống tốt lành và trật tự công cộng. Thực tế, không hệ thống pháp luật nào có thể thiếu những quy định như vậy, bởi sự thiếu vắng của chúng có thể dẫn đến xung đột giữa pháp luật và công lý.
Bên cạnh đó, “lý trí” – khái niệm phổ biến trong pháp luật Anh quốc - cũng là một nguồn mà các tòa án nhờ cậy đến để lấp các chỗ trống trong hệ thống pháp luật. Đó là quyết định hợp lý về một tranh chấp, khi không có án lệ, không có cả tập quán bắt buộc. Đó là sự tìm kiếm một quyết định phù hợp nhất với luật pháp hiện hành, và bởi vậy bảo đảm xác đáng nhất cho trật tự và công lý, là cấu thành nền tảng của luật pháp. Giới luật gia Anh khẳng định: Lý trí là sự sống của pháp luật.
Với cách hiểu như vậy, “pháp luật” phải bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan lập pháp và hành pháp ban hành, và các nguồn khác như tập quán, thực tiễn tòa án, học thuyết, lý trí, các nguyên tắc chung. Tất cả đều hướng tới đích là công lý. Cách nhìn này giúp thẩm phán thoát khỏi những quy định lỗi thời, định hướng cho họ khi có những quy định “đá nhau” và tạo căn cứ cần thiết cho việc xét xử khi có khoảng trống trong hệ thống pháp luật hiện hành.
Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, bội phần phức tạp đòi hỏi pháp luật phải luôn được đổi mới. Tuy nhiên, với luật thành văn ở Việt Nam, yêu cầu đổi mới nhanh chóng, linh hoạt khó đạt được. Bởi việc lập pháp (bao gồm cả sửa luật) phải tuân theo những trình tự, thủ tục chặt chẽ, và đặc biệt lại liên quan đến Quốc hội – cơ quan lập pháp cho đến nay vẫn hoạt động theo kiểu “xuân thu nhị kỳ”. Bởi vậy, theo ông Dũng và ông Lam, cách tiếp cận và giải thích luật phải rộng hơn, không thể bó hẹp theo từng câu chữ. Cần coi trọng vai trò sáng tạo và thực tiến của tòa án, coi đạo luật chỉ là điểm xuất phát chứ chưa phải là điểm cuối cùng. Mọi luật gia phải được khám phá pháp luật theo một lý tưởng chung với mục đích là đáp ứng công lý được xã hội thừa nhận.
Tuy nhiên, Hiến pháp 1992 quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền giải thích hiến pháp, luật, pháp lệnh. Và điều luật này trước nay hiếm khi được vận dụng.
Thực tế cho thấy, nhà lập pháp không phải bao giờ cũng dự báo được mọi tình huống xảy ra trong tương lai. Điều này dễ dẫn đến tình trạng pháp luật không theo kịp cuộc sống, chậm chạp với những đòi hỏi mới của thời cuộc. Theo ông Dũng, việc trao quyền giải thích pháp luật cho tòa án sẽ khắc phục được hạn chế nói trên. Kết hợp với sự giải thích pháp luật của chính cơ quan lập pháp, thì pháp luật sẽ có được cả tính bền vững và linh hoạt.
(Theo Pháp Luật TP HCM)