Tại quận Ba Đình, Hà Nội, Công an phường Thành Công là nơi đầu tiên áp dụng mô hình công an tham gia hòa giải để giữ gìn an ninh trật tự.
Thượng úy Phạm Thế Anh (Phó công an phường) nhớ mãi câu chuyện của một gia đình giàu có trên địa bàn khiến anh mất nhiều thời gian giải quyết. Anh kể, người vợ làm tại một cơ quan lớn, anh chồng làm giám đốc. Nhìn bên ngoài, ai cũng "ghen tỵ" với họ vì vợ chồng hạnh phúc, cuộc sống dư dả, con cái học hành giỏi giang.
Rồi khi chồng thường xuyên vắng nhà, chị vợ sinh nghi thuê người theo dõi và biết bố nhí của anh này là ca sĩ. Chị trưng bằng chứng cho chồng và đưa con rời nhà về sống cùng bố mẹ đẻ.
Theo thượng úy Thế Anh, người vợ khi ấy rất bực tức nên viết 6-7 đơn tố cáo chồng với đủ loại hành vi, từ ngoại tình đến hủy hoại tài sản, xúc phạm danh dự, nhân phẩm…Qua nhiều buổi làm việc đó, cán bộ phường vừa động viên vừa tìm hiểu rõ nguồn cơn sự việc.
Công an phường mời anh chồng lên giải quyết. Hai bên thông gia đều có mặt. Thấy nhau, họ đã to tiếng, gây mất trật tự. Thượng úy Thế Anh tách riêng người hai bên gia đình rồi lắng nghe ý kiến từng người. “Sau khi nghe tâm sự của họ, chúng tôi phân tích cái đúng, cái sai rồi mới để hai bên ngồi lại với nhau”, vị phó phường nói. Sau gần 10 lần lên trụ sở công an phường hòa giải, hiện việc kiện cáo đã hết.

Cũng liên quan đến việc hòa giải mâu thuẫn vợ chồng, thượng úy Thế Anh nhớ rõ câu chuyện của một phụ nữ gọi điện cho anh lúc 2h sáng. Chị thông báo bị chồng bắt ngủ chung giường nên nhờ anh đến giải quyết. Qua điện thoại, anh trao đổi và biết đôi vợ chồng này sống ly thân. Họ thỏa thuận, vợ ngủ trên ghế ở phòng ngoài, còn anh chồng nằm trong giường. Đêm hôm đó, anh chồng hứng chí, nằng nặc đòi vợ vào ngủ chung, dọa nếu không đồng ý sẽ đuổi ra khỏi nhà.
“Tôi khuyên chị ấy bình tĩnh, công an phường sẽ kịp thời can thiệp nên đừng quá lo lắng", anh kể.
Từng có thời gian làm cảnh sát khu vực nên với thượng úy Thế Anh, việc nắm rõ hoàn cảnh từng hộ gia đình có ý nghĩ quyết định thành công của việc hòa giải. Điều quan trọng, người đứng ra giải quyết các mâu thuẫn phải có được sự tin tưởng với các bên. “Mục đích cuối cùng là để đảm bảo an ninh trật tự, giúp người dân yên tâm lao động, sinh sống”, vị Phó phường trẻ tuổi cho biết.
Không chỉ giải quyết mâu thuẫn gia đình, gần đây trên địa bàn phường xảy ra một số vụ khủng bố tinh thần gây mất trật tự. Một gia đình trình báo bị kẻ xấu đổ mắm tôm trộn dầu luyn, sơn. Mời họ tới làm việc, anh nắm được thông tin con trai của họ, cũng phục vụ trong ngành công an, đang vay khoảng 2,5 tỷ đồng của nhiều người nhưng chưa trả được. Không liên lạc được với anh này, chủ nợ đến khủng bố tinh thần cha mẹ của con nợ.
“Nhiều khi với danh nghĩa bị hại thật nhưng họ không trình báo, hợp tác vì ngại, xấu hổ. Chúng tôi cùng đại diện các đoàn thể đến tận nhà, hỏi han, vận động họ trình bày nguyên do để tìm hướng giải quyết”, thượng úy Thế Anh nói. Anh thừa nhận, hầu hết những vụ vay nợ, mâu thuẫn gia đình ở địa bàn phường đều “dính” đến những người có học thức nên nói để họ nghe là rất khó. Nhưng khi giải quyết “có tình, có lý”, “mình vì mọi người, mọi người vì mình” thì việc tháo nút các mâu thuẫn sẽ dễ hơn.
Hoàng Việt