Ngày 13/5, Công an huyện Thăng Bình (Quảng Nam) nhận được trình báo của một tiểu thương ở xã Bình Trị về việc phát hiện người lạ dùng tiền giả mua hàng. Làm việc với nhiều tiểu thường khác ở chợ quê Vinh Huy (xã Bình Trị), cảnh sát thu giữ 11 tờ tiền giả mệnh giá 200.000 đồng.
“Qua mô tả của tiểu thương, khách hàng là hai người đàn ông nói giọng Bắc. Chúng tôi nhận định ngay đây là nhóm tiêu thụ tiền giả chuyên nghiệp. Hàng chục trinh sát được cử đi điều tra”, đại tá Trần Văn Xuân, Trưởng Công an huyện Thăng Bình kể.
Sau vài tiếng xác minh, công an nhận được tin, gần đây hai người đàn ông miền Bắc đến ở tại nhà một người dân tại xã Bình Định Nam nên tổ chức kiểm tra. Khi cảnh sát đến, hai anh em Đào Văn Cần (27 tuổi) và Đào Văn Ninh (35 tuổi, cùng trú huyện Phú Bình, Thái Nguyên) đang ăn nhậu cùng gia chủ. Kiểm tra balô của Cần, cảnh sát thu giữ gần 100 tờ tiền giả cùng mệnh giá 200.000 đồng.
Tại công an, cả hai khai nhận vốn nhiều năm làm phu vàng ở huyện Phước Sơn (Quảng Nam). Đầu tháng 5, bãi vàng của anh em Cần làm thuê bị truy quét nên tìm lên Đăk Lăk xin việc làm. Tại đây, Cần gặp người đồng hương Nguyễn Văn Tuân (35 tuổi) và Nguyễn Văn Hòa (48 tuổi, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Hòa sau đó rủ Cần cùng tham gia vào đường dây tiêu thụ tiền giả với tỷ lệ ăn chia 50/50. Đang túng tiền mua ma túy, Cần lập tức nhận lời.
Sau khi tiêu thụ 20 triệu đồng ở các chợ tại Đăk Lăk, mang về chia cho Hòa một nửa, thấy dễ kiếm lợi, Cần rủ thêm anh trai là Ninh tham gia. Vốn quen biết nhiều người ở Quảng Nam, cả hai bắt xe đò xuống địa phương này. Nạn nhân của hai anh em Cần là những tiểu thương lớn tuổi, bán nhỏ lẻ ở chợ quê.
“Chúng thường sử dụng hai thủ đoạn, hoặc là mua các mặt hàng có giá trị lớn, kẹp tờ tiền thật phía ngoài để không bị phát hiện, sau đó về bán lại lấy tiền. Hoặc dùng tờ 200.000 đồng để mua các mặt hàng nhỏ như car điện thoại 10.000 đồng, dầu gội đầu… Khi công an đi xác minh, thu giữ tiền giả, nhiều tiểu thương không hề hay biết, họ khóc ngất vì bị lừa. Đối với những tiểu thường già ở chợ quê, 200.000 đồng là số tiền lớn”, đại tá Xuân kể.
Suốt một đêm đấu tranh, Ninh và Cần mới chịu khai ra Hòa và Cần. “Sau khi cả hai đã chịu hợp tác, chúng tôi thuyết phục Cần gọi điện lên cho Hòa giả vờ đã tiêu hết tiền giả và hẹn tại một địa điểm ở Đăk Lăk để nhận thêm tiền”, đại tá Xuân kể. Không nghĩ đang mắc bẫy, Hòa đến điểm hẹn và bị bắt khi đang giao tiền giả cho hai chân rết.
Vài ngày sau, Tuân cũng bị bắt với phương thức tương tự. Ngoài ra, lúc này còn có Đinh Thị Tuyết (32 tuổi, trú Quỳnh Lưu, Nghệ An), là bạn gái của Tuân và Nguyễn Thị Nguyệt (34 tuổi, trú Phú Bình, Thái Nguyên) cũng bị bắt khi cùng Tuân và Hòa mang tiền giả đi tiêu thụ.
Làm việc với công an, Tuân và Hòa khai nhận người cung cấp tiền giả từ Chu Thị Oanh (47 tuổi, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng). Một tổ trinh sát lập tức được cử đi Cao Bằng để điều tra người phụ nữ này. Hơn bốn năm trước, Oanh bị bắt trong một vụ án buôn bán tiền giả, sau đó bị tuyên phạt 4 năm tù. Ngày 2/9/2015, người phụ nữ này được đặc xá, ra tù trước thời hạn. Oanh ly hôn chồng, sau khi ra tù sống lang bạt.
Túng thiếu, Oanh quay lại con đường cũ, kết nối với những đầu mối cũ để tiếp tục buôn bán tiền giả. Oanh khai, sau khi sang Trung Quốc mua của một người phụ nữ tên A Mỉng, biết Hòa vốn từng đi tù về tội buôn bán tiền giả, Oanh kết nối với người này để tìm chân rết đi tiêu thụ.
Qua lời khai của Hòa, cảnh sát biết được Chu Thị Oanh sắp vào Tây Nguyên để giao “hàng”, nên bố trí mai phục. Ngày 19/5, tại bến xe Đăk Nông, Oanh bị bắt quả tang khi đang vận chuyển 200 triệu đồng tiền giả cùng mệnh giá 200.000 đồng. Người phụ nữ này khai, vừa qua Trung Quốc mua số tiền này từ A Mỉng với giá 25 triệu đồng. Khi đang trên đường mang tiền giả vào giao cho Hòa và đồng bọn đưa đi tiêu thụ thì bị bắt.
“Cô ta rất ranh mãnh, không chịu khai ra những vụ trước và chỉ thừa nhận vừa tham gia vụ này thì bị bắt”, một điều tra viên cho hay. Theo cảnh sát, trong số bị bắt giữ, có 4 người bị nhiễm HIV nên rất liều lĩnh. Lúc bị bắt, túi quần của nhiều nghi can có kim tiêm dính máu.
Khám xét 7 nghi can và qua giao nộp của tiểu thương, cảnh sát thu giữ hơn 1.200 tờ tiền giả mệnh giá 200.000 đồng. Nhà chức trách nhận định, vẫn còn số lượng lớn tiền giả đang lưu hành trên thị trường, chưa thể thu hồi nên đang mở rộng điều tra.
Đây là đường dây tiêu thụ tiền giả lớn nhất tại Quảng Nam kể từ sau vụ án tiêu thụ hơn 1,4 tỷ đồng hồi năm 2002. Trong vụ án này, 17 bị can bị đưa ra xét xử, trong đó có 2 án tử hình. Hoàng Tú Liên (sinh 1960, Bằng Tường, Trung Quốc) sau đó được Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đưa về nước, không phải chịu án tử hình. Liên được xác định là người cầm đầu đường dây này.
Tiến Hùng