Sáng 22/7, chị Lê Thị Bảy (40 tuổi) cùng người hàng xóm Nguyễn Thị Phúc (52 tuổi) đón xe buýt tới xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) để bán tăm. Đến đầu thôn Thái Phù, chị Bảy thấy một cháu bé đang chơi nên tới gần hỏi xem bố mẹ có nhà không để vào mời mua hàng. "Đúng lúc này một phụ nữ xuất hiện bảo tôi dụ dỗ bắt cóc trẻ con. Hoảng sợ, tôi và bà Phúc vội rời đi, song người dân đã đuổi theo tới điểm chờ xe buýt cách đó vài trăm mét", chị Bảy kể.
Theo lời bà Bảy, những người đến vây đánh ngày một đông, xúm vào đấm đá, lớn tiếng dọa giết. "Tôi van xin nhưng họ không tha", chị nói và cho hay bị đánh chảy máu, bầm tím khắp người.
Bà Phúc cho biết khi bị đám đông vây quanh, một số người dân nói trong túi bà chắc hẳn có chai thuốc mê, bảng giá bán nội tạng và lá bùa. “Tuy nhiên trong túi tôi làm gì có những thứ đó. Bảng giá nội tạng mà người ta nói là thông tin và số điện thoại của một người chữa sỏi thận. Lá bùa của chùa làng, tôi mới xin để cầu bình an”, bà Phúc nói.
Điều tra sự việc, Công an huyện Sóc Sơn cho hay người dân nghi ngờ chị Bảy và bà Phúc đi bắt cóc trẻ em là không có căn cứ. Trong túi của hai người này thì chỉ có 50 túi tăm. Hiện, một số người tham gia hành hung đã bị nhà chức trách triệu tập.
Quan điểm của Công an huyện Sóc Sơn là xử lý nghiêm để răn đe. “Chỉ vì lo sợ và thiếu hiểu biết pháp luật mà người dân địa phương đã đẩy vụ việc lên căng thẳng", một lãnh đạo Công an huyện nêu quan điểm.

Bà Phúc bị đánh bầm tím mắt. Ảnh: N.Đ.
Trong tháng 7, vì nghi ngờ có người vào làng thôi miên để lừa đảo, nhiều người dân ở xã Hồng Lạc (Thanh Hà, Hải Dương) còn đốt trụi chiếc xe Fortuner tiền tỷ.
Theo kết quả xác minh, chiều tối 20/7, hai người đàn ông đi ôtô vào đây, dừng trước một tiệm bán đồ gỗ và được chỉ tới kho hàng để xem thêm. Khi tìm giấy bút để ghi lại giá cho khách, bà chủ tiệm thấy nhức đầu, chóng mặt nên nghi bị thôi miên.
Chị này hô hoán và người dân trong làng đã ùa ra bao vây. Chiếc xe Fortuner bị lật xuống ruộng, đốt cháy.

Chiếc ôtô bị đốt cháy rụi sau nghi án bắt cóc trẻ con. Ảnh: Đức Hường.
Trước hành động quá khích của nhiều người trong đám đông, nhà chức trách phải lập hàng rào bảo vệ các nạn nhân. Đến rạng sáng hôm sau, trật tự mới được vãn hồi.
Cảnh sát xác định hai người đàn ông có nhân thân tốt, là tài xế và giám đốc kinh doanh của một doanh nghiệp. Thông tin họ có ý đồ thôi miên là vô căn cứ.
Tại Nghệ An, hai tháng qua cũng xảy ra 4 vụ người dân bao vây, đòi hành hung người lạ mặt do nghi ngờ có hành vi bất minh như bắt cóc trẻ em; thôi miên lừa đảo. Các nạn nhân sau đó đều được công an xác minh không có hành vi như nghi ngờ.
Video: Một phụ nữ là nạn nhân của việc nghi ngờ vô căn cứ tại Nghệ An
Một chuyên gia xã hội học cho rằng do ảnh hưởng của những tin đồn bắt cóc trẻ em lan truyền trên mạng xã hội nên người dân dễ hồ nghi, suy diễn và có hành động mất kiểm soát.
Qua hàng loạt vụ việc như vậy, nhà chức trách nên nhanh chóng vào cuộc xử lý những người tung tin thất thiệt, đăng tin thông tin không có căn cứ lên mạng xã hội. Bên cạnh đó, người dân cần tỉnh táo khi hành xử, nếu thấy dấu hiệu nghi ngờ nên báo ngay với nhà chức trách chứ không tự cho mình "quyền trừng phạt" người bị tình nghi.
Theo luật sư Vũ Vinh Quang, nếu công an truy cứu trách nhiệm hình sự, những người "đánh hôi" ở Sóc Sơn có thể bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác.
Còn những người gây ra việc đốt xe ở Hải Dương có thể bị xử lý về tội Hủy hoại tài sản. Trong trường hợp này, tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên thì khung hình phạt từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân.