Theo nội dung vụ án, tháng 4/2003, ông Năm (72 tuổi) lập di chúc cho em gái tên Anh (67 tuổi) căn nhà trên đường Lạc Long Quân, quận 11 (TP HCM) và cho Long (cháu ruột gọi là cậu, làm bác sĩ) một căn nhà gần đó - nay là đường Nguyễn Văn Phú. Do tuổi đã cao, sống độc thân nên khi lập di chúc, ông ra điều kiện cho cháu "phải chăm sóc lúc già yếu, ốm đau".
Hai năm sau ông Long chuyển đến ở trong căn nhà người cậu cho. Cũng thời gian này ông Năm đổ bệnh nhưng không nhận được sự thăm hỏi chăm sóc từ người cháu. Thất vọng, khoảng tháng 9/2006, ông quyết định hủy bỏ di chúc đã cho ông Long nhà. Thời điểm này ông phát hiện mình bị bệnh ung thư, định bán căn nhà này lấy tiền chữa trị nhưng người cháu không đồng ý.
Ông Long đòi cậu phải trả cho mình 23 lượng vàng chi phí sửa chữa căn nhà trong thời gian sinh sống và 40 lượng vàng tiền lo ma chay cho bố ông Năm (cũng là ông ngoại của ông Long) mất năm 2003. Không chấp nhận yêu cầu của người cháu, năm 2007 ông Năm làm đơn khởi kiện.
Trong thời gian tòa giải quyết, sức khỏe ông Năm có lúc nguy kịch nên sau hai năm theo đuổi vụ kiện, ông đã rút đơn. Tòa ra quyết định đình chỉ.
Thương anh bạo bệnh, bà Anh phải bán nhà mình trên đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3) để chữa trị cho anh. Tháng 10/2009, ông Năm làm hợp đồng tặng cho bà căn nhà trên đường Nguyễn Văn Phú lấy lại từ người cháu. Bà Anh sau đó làm thủ tục đứng tên sở hữu căn nhà này.
Nhiều lần yêu cầu ông Long trả lại nhà không được, tháng 4/2010, bà Anh khởi kiện ra TAND TP HCM.
Quá trình giải quyết vụ án, ông Long cho rằng người cậu lập di chúc cho căn nhà là để trả ơn bố ông. Ông và các em cũng bỏ ra 23 lượng vàng để sửa chữa và 40 lượng vàng lo ma chay cho ông ngoại theo yêu cầu của ông Năm. Do đó, ông đồng ý trả nhà với điều kiện ông Năm và bà Anh phải trả số vàng kia cho mình.
Ông Năm và bà Anh không đồng ý với lý do cũng như yêu cầu của người cháu nêu ra. Ông bà chỉ chấp nhận trả lại chi phí sữa chữa nhà theo kết quả định giá.
Tháng 6/2013, TAND TP HCM xử sơ thẩm, buộc ông Long phải giao trả nhà trong vòng hai tháng. Theo HĐXX, căn nhà trên đường Nguyễn Văn Phú thuộc sở hữu của ông Năm. Pháp luật về thừa kế quy định người lập di chúc có quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ… di chúc bất cứ lúc nào. Ban đầu ông Năm có lập di chúc cho ông Long nhưng sau đó đã hủy bỏ và lập hợp đồng tặng cho bà Anh, việc tặng cho này là hợp pháp.
Hiện, bà Anh đang khó khăn về chỗ ở, trong khi tại tòa ông Long thừa nhận đang có hai căn nhà khác. "Như vậy, ông Long có đủ điều kiện để trả lại nhà cho nguyên đơn trong thời gian ngắn. Do đó, việc buộc ông Long và những người đang cư ngụ trong căn nhà nói trên phải trả lại nhà là hợp pháp”, bản án sơ thẩm nêu.
Về yêu cầu phản tố của ông Long, tòa ghi nhận sự tự nguyện của ông Năm và bà Anh hoàn trả chi phí sửa chữa nhà hơn 131 triệu đồng theo kết quả định giá. Đối với 40 lượng vàng chi phí lo mai táng cho ông ngoại, vị bác sĩ không đưa ra được chứng cứ nên không được chấp nhận.
Ông Long không đồng ý bản án nên làm đơn kháng cáo. Sau nhiều lần hoãn, hồi cuối tháng 4, TAND Cấp cao tại TP HCM đưa vụ án ra phúc xử. Các bên vẫn giữ nguyên yêu cầu.
Tại tòa, ông Long cho rằng, ông chỉ sống tại căn nhà trên từ năm 2005 đến hết năm 2010. Vì vậy ông không phải là bị đơn trong vụ án.
Quá trình xét xử, HĐXX phúc thẩm nhận định, việc định đoạt di chúc để lại tài sản cho ai là quyền của ông Năm, việc ông Năm cho nhà bà Anh là quyền của ông Năm, vấn đề này không còn phải bàn cãi. Tuy nhiên, do có thêm tình tiết mới khi bị đơn cho rằng "không phải là đối tượng bị khởi kiện" nên HĐXX tạm hoãn phiên tòa để xác minh tư cách bị đơn. Tòa cũng yêu cầu ông Long phải cung cấp chứng cứ chứng minh thời điểm tạm trú tại căn nhà nói trên trước ngày 15/5.
Dù khẳng định chỉ ở căn nhà đến năm 2010, song trong hồ sơ vụ án có văn bản ông Long gửi VKSND Tối cao nói rằng ngày 18/1/2011 phát hiện bị mất 100 triệu đồng để trong tủ quần áo tại căn nhà trên đường Nguyễn Văn Phú.
Dự kiến phiên xử sẽ được mở lại vào cuối tháng 5
Hải Duyên
* Tên nhân vật đã được thay đổi.