Sống trong buồng biệt giam và không được biết trước ngày cuối đời nên hầu hết tử tù đều sống trong tâm trạng thấp thỏm. Nếu 2h sáng, không nghe thấy tiếng lách cách của khóa cửa sắt buồng giam, tử tù biết mình may mắn sống sót thêm một ngày. Thế nhưng, đa phần họ đều âm thầm chuẩn bị cho cuộc ra đi.
Một quản giáo của Trại tạm giam số 1, Công an Hà Nội nhớ lại, trong suốt 20 năm công tác, từng tiếp xúc với rất nhiều tử tù, dù hội đồng xét xử nhận định họ "mất hết tính người, cần phải loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội", nhưng mỗi một cuộc "chia tay" với tử tù ông cảm thấy lòng nặng trĩu.
Theo thông lệ, 2 giờ sáng cán bộ quản giáo sẽ là người đầu tiên vào buồng giam, đánh thức tử tù. Câu nói quen thuộc bắt đầu bao giờ cũng là: "Hôm nay đi trả án nhé". Câu nói sau đó như rơi tọt vào khoảng không gian thinh lặng.
Nguyễn Đức Nghĩa đã bị kết án tử hình về tội giết người. Tử tội này đang trong những ngày chờ đợ ân xá của chủ tịch nước. |
Vào những giây phút ấy, đa phần tử tù đều trở nên luống cuống. Dù tất cả tử tù đều biết rõ hình phạt đối với mình và đã chuẩn bị tâm lý nhưng hầu hết đều bị sốc và suy sụp. Họ được tắm giặt, làm vệ sinh cá nhân, được thay quần áo mới để chuẩn bị cho cuộc ra đi.
Sau khi công bố việc đơn xin ân xá bị bác, họ được trích xuất để làm thủ tục ra pháp trường. Tử tù sẽ được phép viết thư hoặc nhắn tin (qua máy ghi âm) cho người thân.
Thượng tá Bùi Ngọc Bình (Giám thị trại tạm giam số 1) nhớ lại lần đưa tử tù Nguyễn Văn Thuân và Nguyễn Thế Đô ra pháp trường. Đó là một ngày cuối tháng 9/2010, sương giăng mù mịt quanh trại tạm giam Công an Hà Nội. Thuân mới ngoài 20 tuổi, anh ta phạm tội giết người, cướp của. Nạn nhân là một cụ già.
Khó khăn lắm, Thuân mới đi đến được phòng thủ tục với sự giúp đỡ của hai cảnh sát. Cán bộ đẩy đến trước mặt cậu ta cây bút và tờ giấy trắng. Bàn tay Thuân run lập cập, phải rất lâu, anh ta mới viết được vài chữ vẫn còn sai chính tả: “Bố mẹ, tại con, con làm nên tội con phải chịu. Bố mẹ đừng buồn làm gì".
Ngập ngừng mãi, Thuân viết tiếp: "Con đi rồi thì nhớ đưa con về nằm với bà, đừng để con ở ngoài Hà Nội này...".
Thượng tá Bình kể, trong suốt thời gian sống trong biệt giam, tử tù Nguyễn Thế Đô luôn ân hận về tội ác của mình và thương hai đứa con gái. Đô là một kẻ nghiện ngập, vợ bỏ vào Nam sinh sống để lại 2 đứa con gái. Một lần, anh ta đã cầm dao đâm chết bà lão bán ma túy để cướp chiếc nhẫn vàng... Đô từng tâm sự, anh ta luôn bị ám ảnh về tội lỗi đã gây ra.
Nguyễn Thế Đô dáo dác nhìn bóng dáng người thân trước khi được đưa về trại tạm giam. |
Trong giờ ra pháp trường, Đô run rẩy dòng chữ: "Hôm nay con phải đi xa mẹ và gia đình mãi mãi rồi. Con nhớ thương mẹ và các cháu nhiều lắm, con ngàn lần xin gia đình tha lỗi cho con. Mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe để nuôi dạy hai cháu cho con, đừng để các cháu phải khổ mẹ nhé".
Rồi Đô dặn dò hai con gái: "Bố ân hận không giúp gì cho các con trong quãng đời còn lại, các con tha thứ cho bố nhé. Bố thương hai con nhiều. Vĩnh biệt...".
Thủ tục nhận dạng, lăn tay, ký vào bản giao nhận quyết định thi hành án xong, tử tù được ăn bữa ăn cuối cùng, gồm một bát phở gà, một cốc nước và một điếu thuốc lá. Đô cầm đũa khều khều mấy cọng phở, mắt anh ta ầng ậng. Quản giáo khuyên: “Ăn một chút đi, kẻo chết lại phải làm ma đói. Kiếp sau có làm người thì sống cho tốt hơn nhé!”.
Lời nói cuối cùng, Đô cảm ơn các cán bộ quản giáo đã giúp đỡ và chia sẻ với mình những ngày cuối đời. “Thôi, đi nhé. Đi là hết nợ!”, một người an ủi. Đô được dẫn giải ra pháp trường.
Pháp trường tờ mờ sáng, đìu hiu, quạnh vắng. Cọc gỗ dựng bên huyệt đã được đào sẵn từ đêm trước. Tử tội được dẫn vào vị trí, chủ tịch hội đồng thi hành án tử hình đọc tội trạng: “Tử tội cần phải loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội". Năm tay súng sắp hàng nghiêm trang.
Tất cả chú ý! Giương súng. Mục tiêu tên tội phạm. Bắn!
Việc thi hành án tử tù tại trại tạm giam Hà Nội thường kết thúc trước lúc mặt trời mọc. Nói như lời của ông Nguyễn Văn Hoắc, nguyên giám thị trại tam giam Hà Nội: "Những xấu xa, tội lỗi cần được gột rửa trước khi một ngày mới bắt đầu".
Chiều 17/6, với đa số phiếu tán thành Quốc hội nhất trí từ 1/7/2011 sẽ không tiếp tục áp dụng biện pháp xử bắn tử tù mà thay vào đó là tiêm thuốc độc. |
Anh Thư