Bản án dân sự ngày 25/1 của TAND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) xác định, năm 1992, ông Tâm cùng vợ là bà Lâm (trú phường Trung Lương) lập giấy tờ ký chuyển nhượng cho em gái tên Quế và Mai hai mảnh đất mặt tiền đường (diện tích 350 m2 và 175m2). Tuy nhiên, thời điểm này tình hình tại phường Trung Lương có nhiều biến động, chính quyền xã hoạt động thiếu ổn định nên hợp đồng mua bán chưa được xác nhận, giấy tờ viết tay được giao cho bà Quế và Mai giữ.
Năm 1994, UBND phường Trung Lương đóng dấu ký xác nhận có sự mua bán giữa ông Tâm và hai người em gái trên tờ giấy chuyển nhượng đã viết. Khi được xác nhận, bà Quế và Mai làm hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được chính quyền chấp nhận.
Năm 2009, ông Tâm (hiện đã mất) gửi đơn lên UBND thị xã Hồng Lĩnh khiếu nại, cho rằng việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Quế và Mai là sai, bởi thời điểm đó hai cô em đã giả mạo chữ ký những người giám định và các hộ liền kề. Vào cuộc tìm hiểu, chính quyền thị xã Hồng Lĩnh đã thực hiện theo kiến nghị của ông Tâm, thu hồi sổ đỏ đã cấp cho bà Quế và Mai để làm rõ sự việc.
Chờ một thời gian không thấy kết quả phản hồi về việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chính quyền, bà Quế làm đơn gửi lên TAND thị xã Hồng Lĩnh nhờ phân xử để giành lại miếng đất. Do ông Tâm đã mất nên đại diện phía bị đơn sẽ là bà Lâm.
Tại phiên xử mở ngày 25/1, sau khi căn cứ các hồ sơ, tài liệu, phần trình bày của nguyên đơn và bị đơn, tòa xác định giữa bà Quế và ông Tâm có giấy tờ chuyển nhượng, đã trao tiền, tức là có hợp đồng mua bán. Việc giám định giả mạo chữ ký như tố cáo của ông Tâm là không cần thiết bởi dấu đỏ của chính quyền phường Trung Lương đóng vào năm 1994 là không có giá trị để được coi là của "cơ quan có thẩm quyền cấp".
HĐXX quyết định yêu cầu bà Lâm phải giao lại miếng đất 350m2 nằm bên quốc lộ 1A cho bà Quế. Không đồng tình với bản án sơ thẩm, bà Lâm chống án. Vụ việc hiện đã được gửi hồ sơ vào cho TAND tỉnh Hà Tĩnh thụ lý.
Trò chuyện với VnExpress, bà Lâm cho hay không đồng tình với phán quyết của tòa sơ thẩm, tất cả đều toàn là "nghe nói". Theo bà, giấy chuyển nhượng lập năm 1992 nhưng hai năm sau mới đóng dấu là không có căn cứ, cơ sở pháp lý.
Bà Lâm kể, năm 1992, ông Tâm có bàn với bà Quế và Mai đi buôn than, chồng bà bày phương hướng và chỉ đường cho các em gái, nếu có lợi nhuận sẽ chia phần cho anh trai. Đề phòng buôn bán thua lỗ, ông Tâm cùng vợ viết cam kết chuyển nhượng hai miếng đất mặt đường cho hai em gái để "tạo lòng tin".
"Sau đó hai người em chồng không đi buôn mà cất hai tờ giấy đó đi đóng dấu, sau đó đăng ký làm sổ đổ", bà Lâm nói và cho hay lúc đó viết như thế là chỉ để an ủi, động viên các em làm ăn, chứ không nghĩ sẽ bán.
Trong khi đó, bà Quế tâm sự với VnExpress rằng "cực chẳng đã" mới làm việc này, mục đích muốn đòi công bằng lại cho mình. Trước việc gia đình anh trai cho rằng bà tạo giấy tờ giả để "cướp đất", bà Quế nói khi mua miếng đất đã đóng 5,8 triệu đồng. Việc chị dâu phủ nhận chưa hề "tiền trao cháo múc" và nói bà ngừng đi buôn là hoàn toàn sai, không đúng với những lời hứa hẹn ngon ngọt của ngày xưa.
"Từ năm 2009-2013, giữa hai gia đình đã có nhiều cuộc hòa giải song bất thành. Quan điểm của tôi là vẫn sẵn sàng du di một vài điều kiện có lợi cho phía chị dâu, nhưng họ kiên quyết không chịu nên đành nhờ tòa phân xử", bà Quế nói và cho hay, nếu ngày xưa bà giả mạo tất cả thì chẳng bao giờ tòa tuyên cho thắng án, bà sẵn sàng chờ ngày ra tòa phúc thẩm.
Trong vụ án này, ông Bùi Xuân Cần, Chánh án TAND thị xã Hồng Lĩnh, cho rằng mọi việc phải cư xử trên nguyên tắc nhân văn, coi trọng đạo lý. Khi giấy tờ chuyển nhượng đã viết, tức là có sự mua bán. Đời có vay có trả, việc tòa tuyên chị dâu phải nhường lại đất cho em chồng là chính đáng.
"Sự việc đang ngày trở nên phức tạp, ngoài vụ phúc thẩm sắp diễn ra ở TAND Hà Tĩnh, toà đang tiếp nhận hồ sơ của bà Mai về việc kiện bà Lâm ra tòa đòi lại mảnh đất thứ hai sau khi bị kiến nghị thu hồi sổ đỏ", ông Cần nói.
Đức Hùng
* Tên các nhân vật đã được thay đổi.