Ngày 28/4, phiên xét xử phúc thẩm vụ tiêu cực xảy ra tại Vinalines tiếp tục phần thẩm vấn các bị cáo nguyên lãnh đạo của tập đoàn này.
Chủ toạ công bố một loạt lời khai tại cơ quan điều tra của ông Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines) về khoản "lại quả" 1,66 triệu USD (hơn 28 tỷ đồng) từ phía Công ty AP chuyển về qua tài khoản của em gái bị cáo Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines). Theo đó, có những lời khai ông Phúc thừa nhận "phải có thoả thuận mới có khoản tiền lớn này đổ về".
“Tôi khẳng định, ông Sơn không thể tự mình nhận số tiền, chiếm đoạt toàn bộ khoản này”, chủ toạ Nguyễn Văn Sơn công bố một biên bản về khai của ông Phúc và cho biết còn có những lời khai cho thấy ông Phúc và bị cáo Dương Chí Dũng (cựu chủ tịch HĐQT) được hưởng phần cao nhất.
Giải thích về lời khai này, ông Phúc cho rằng cá nhân nghĩ đơn thuần chỉ có người là tổng giám đốc hay chủ tịch HĐQT Vinalines mới làm được việc đó. “Nhưng bây giờ bị cáo thấy hoàn toàn khác. Sơn khủng khiếp quá”, nguyên tổng giám đốc Vinalines thảng thốt.
Chuyển sang phần thẩm vấn để làm rõ hành vi cố ý làm trái, chủ toạ hỏi ông Phúc: “Bị cáo có sợ khi làm sai sẽ bị cách chức?”. Ông Phúc đáp: "Bị cáo cho rằng, ông Dũng không thể cách chức được bị cáo". Ngay sau đó, chủ toạ công bố lời khai của ông Phúc tại cơ quan điều tra, cho thấy, trong một cuộc họp, ông đã bị ông Dũng dọa nếu không đảm bảo tiến độ mua ụ nổi thì sẽ bị "kỷ luật" hoặc "đề nghị cách chức”.
Ông Dũng lập tức phủ nhận điều này, cho rằng tại Vinalines, ông Phúc không bao giờ nghe chỉ đạo, tự ý làm theo cách riêng và có ý chống phá HĐQT.
Ông Dũng cho rằng Sơn trực tiếp đứng ra thoả thuận với ông Goh Hoon Seow, Giám đốc Công ty AP. “Nếu tham tiền, bị cáo sẽ trực tiếp đàm phán với ông Goh, trên thực tế, thời điểm đó, bị cáo đang có mục đích để về trên Bộ sao lại làm việc đó”, ông Dũng trình bày.
Tiếp đó, ông Dũng cho biết từng có đơn tố cáo về việc điều tra viên ghi không đúng lời khai của mình. VKS công bố một số lời khai tại cơ quan điều tra tại nhiều thời điểm cho thấy bị cáo thừa nhận trong việc mua ụ nổi mình là người giữ vai trò cao nhất. Có lời khai, bị cáo thừa nhận "phải có thoả thuận ngầm".
Bị thẩm vấn, Sơn khẳng định việc chia số tiền "lại quả" là theo chỉ đạo của ông Dũng. Khi đưa số tiền 340 triệu đồng cho phó tổng giám đốc Trần Hữu Chiều bị cáo chỉ nói là tiền bồi dưỡng cho anh. Có những chuyện ở Vinalines bất thành văn, người ta sẽ tự hiểu đó là khoản tiền đó.
Còn ông Chiều khai 8 tháng sau khi thanh toán ụ nổi có vay Sơn một tỷ đồng để chữa bệnh rối loạn chức năng gan và mua nhà. Số tiền này sau đó đã hoàn trả. Nhận 340 triệu đồng, ông Chiều hỏi Sơn khoản này có dính dáng đến ụ nổi hay không thì được trả lời "cứ yên tâm".
Theo HĐXX, 340 triệu đồng là khoản lớn khi nhận bị cáo phải đặt ra nghi vấn. Trả lời, ông Chiều cho rằng thời điểm đó đã lẫn lộn với việc vay tiền của Sơn nên không nghĩ đến, chứ nếu biết là tiền được chia từ việc mua ụ nổi thì "không bao giờ nhận".
Trong phiên làm việc chiều nay của tòa, luật sư Nguyễn Huy Thiệp đề nghị ông Sơn trả lời cách bài trí nhà ông Phúc tại Hải Phòng để làm rõ việc có đưa tiền như lời khai không tuy nhiên câu trả lời đã bị ông Phúc bác bỏ. Theo cựu tổng giám đốc Vinalines ở giữa không có bàn uống nước, bởi bàn thờ được kê cao ra gần cửa chính. Bàn uống nước rất nhỏ, được đặt trong góc của căn nhà. Mặt khác, căn nhà có ba gian thông nhau, không có buồng riêng nên không có chuyện sau khi nhận tiền xong, bị cáo đem vào buồng cất rồi mang trả lại chiếc valy được.
Chỉ chiếc cặp đựng của mình, ông Thiệp hỏi bị cáo Sơn: “Có phải chiếc cặp đựng tiền giống với chiếc tôi đựng tài liệu và máy tính xách tay này không?". Ông Sơn cho biết cặp đựng 2,5 tỷ đồng lớn gấp rưỡi cặp của luật sư. "50 cọc tiền mệnh giá 500.000 đồng, liệu có đút được vào cặp không?", ông Thiệp nghi ngờ. Sau câu trả lời "thừa sức đút" của bị cáo Sơn, luật sư Thiệp đề nghị HĐXX cho thực nghiệm hành động này để làm rõ.
Để làm rõ hơn lời khai của bị cáo Sơn khai trong số tiền đưa có 2 tỷ đồng rút từ Ngân hàng Hàng hải Việt Nam, toà triệu tập đại diện nhà băng là Nguyễn Tuấn Khang. Theo ông Khang, với số tiền lớn được rút ra bằng chứng minh thư, ngân hàng sẽ lưu giữ tài liệu trong vòng 30 năm.
Trả lời vì sao Ngân hàng từng trả lời phần mềm của ngân hàng không thể tra soát được việc ông Sơn rút tiền qua chứng minh thư, ông Khang cho rằng, phải xem xem thông tin cung cấp có đủ để không. “Bây giờ các anh có thể kiểm tra, làm lại được không?”, chủ toạ hỏi. Đại diên ngân hàng cho biết cái này thuộc về chuyên môn, nhưng có thể cung cấp thêm thông tin.
Việt Dũng