Chiều 12/12, HĐXX TAND Hà Nội tập trung thẩm vấn cựu chủ tịch HĐQT Vinalines kiêm cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng về hành vi cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng khi mua ụ nổi 83M.
Ông Dũng trình bày, giá mua ban đầu từ Công ty AP - Singapore là 9 triệu USD, tuy nhiên sau đó phải điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hơn 14 triệu USD do phải lai dắt trực tiếp từ Nga về cộng với chi phí sửa chữa. Vì thời tiết bất ổn phải thay đổi phương thức vận chuyển khiến tổng tiền đổ vào lên tới hơn 19 triệu USD.
Theo ông Dũng, quá trình kéo về Việt Nam số tiền phát sinh thành hơn 26 triệu USD. “Đâm lao thì phải theo lao”, ông Dũng khai.
Bị cáo cho rằng không có thoả thuận ăn chia gì với ông Goh Hoon Seow (Giám đốc Công ty AP). Hai người chỉ quen xã giao trong một hội thảo tại TP HCM. "Việc mua ụ nổi từ AP đều do Tổng giám đốc Mai Văn Phúc lo", ông Dũng khai và thanh minh bản thân "không đổ trách nhiệm cho anh em".
Giọng nhẹ nhàng, ông Dũng nhận lỗi: “Tôi không sâu sát đến nơi đến chốn để dẫn đến hậu quả bây giờ". Giải thích vì sao không mua ụ nổi mới, cựu chủ tịch HĐQT Vinalines cho rằng giá đắt gấp 4 lần mua cũ song cũng chưa sử dụng được ngay. Trong khi đó ụ nổi cũ chỉ cần sửa chữa là có thể đưa vào khai thác với thời gian sớm hơn rất nhiều. “Bị cáo không phải vì đồng tiền để đánh mất danh dự. Lúc được điều về tập đoàn, bị cáo chỉ mong muốn phấn đấu”, ông Dũng nói.
Đến năm 2010, thời điểm Thanh tra Chính phủ kiểm tra việc mua ụ nổi 83M, ông Dũng đã rời Vinalines lên giữ ghế Cục trưởng Hàng hải Việt Nam. Giữa năm 2012, biết bị khởi tố sau khi một số cấp dưới đã bị bắt, ông Dũng hoảng sợ bỏ trốn. Cựu chủ tịch Vinalines cho biết đã sang Campuchia "lánh nạn". Với mục đích đi càng xa càng tốt, ông tính kế sang Mỹ. Tuy nhiên do bị từ chối quá cảnh ở Đức, ông đành quay lại nơi xuất phát. Ngày 4/9/2012, ông Dũng bị bắt sau nhiều tháng trốn truy nã quốc tế.
Cũng trong chiều nay, 5 bị cáo khác là lãnh đạo chủ chốt của Vinalines cũng bị thẩm vấn. Nói sang sảng, nguyên tổng giám đốc Vinalines Mai Văn Phúc khai toàn bộ báo cáo, tờ trình đề xuất mua ụ nổi của AP, lập đoàn khảo sát sang Nga... đều do Phó tổng giám đốc Trần Hữu Chiều trình lên và ông tin tưởng nên đã ký.
Bị cáo trình bày do mới giữ chức tổng giám đốc được khoảng 2 tháng nên mọi quyết định đều phải dựa vào ban tham mưu của tập đoàn. Việc chào giá, đấu thầu, ông giao cho cấp dưới Chiều phụ trách.
Theo lời khai của ông Phúc, ngoài ụ nổi 83M, ông cũng có bút phê chỉ đạo ông Chiều nghiên cứu ụ nổi 194 của Mỹ. “Bị cáo có hỏi vì sao ụ nổi 83M có "tuổi cao" như vậy và nhận được câu trả lời rằng thời điểm đó không có lựa chọn nào khác”, ông Phúc nói.
"Tôi sợ bị cách chức nếu dự án chưa xong nên đồng ý để anh Chiều nhanh chóng mua ụ nổi 83M’, bị cáo Phúc khai.
Cho rằng mọi việc đều do ông Chiều lo toan, ông Phúc cũng khẳng định không bao giờ ngồi riêng với chủ tịch Dũng để bàn bạc việc của tập đoàn. Mọi việc đều được đưa ra cuộc họp nên không có chuyện ông cùng với Dũng chỉ đạo cấp dưới nhanh chóng mua ụ nổi 83M theo cáo buộc của VKSND Tối cao.
Còn bị cáo Chiều thanh minh không được hưởng lợi gì từ việc mua ụ nổi 83M. Khi ông sang Nga xem hàng, đối tác cho hạ thuỷ để chứng minh ụ nổi vẫn đang hoạt động, chỉ phải sửa chữa một số chi tiết.
Bị cáo Trần Hải Sơn (Phó ban quản lý dự án, Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) và Mai Văn Khang (thành viên ban quản lý dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam) cũng khai mọi việc đều do ông Chiều chỉ đạo. Giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra, Sơn thừa nhận sau khi ụ nổi được mua về, công ty AP đã gửi “lại quả” hơn 1,6 triệu USD và số tiền này đã được chia cho Dũng, Phúc mỗi người 10 tỷ đồng, ông Chiều 340 triệu, còn lại bị cáo giữ.
Đối chất việc này, ông Dũng đã phủ nhận, cho rằng valy 5 tỷ đồng Sơn khai giao tại khách sạn ở TP HCM thực chất là valy đựng rượu. “Bị cáo không ngờ người được tin tưởng như Sơn lại khai như vậy”, ông Dũng nói, đồng thời giải thích tiền mua hai căn hộ tại các khu chung cư đẹp bậc nhất Hà Nội cho người tình (đang bị kê biên) là lấy từ tiền riêng của vợ.
8h ngày mai phiên toà tiếp tục.
Việt Dũng