Tháng 10/2015, kiểm soát viên một ngân hàng tại Hà Nội nhận được ủy nhiệm từ chủ tài khoản là chị Mai (42 tuổi, ở quận Đống Đa) trích trả 4 tỷ đồng cho một phụ nữ ở huyện Vũ Thư (Thái Bình). Tuy nhiên chị Mai không tới mà người giao dịch lại là nam giới, số tiền không được rút ra mà chuyển tới một ngân hàng khác. Người này rất thông thạo quy trình hoạt động của ngân hàng. Do tất cả thông tin yêu cầu về chủ tài khoản, chứng từ, thông tin kiểm soát… đều đủ và khớp nên giao dịch vẫn hoàn thành.
Tháng 11/2015, chị Mai ra ngân hàng rút tiền, bàng hoàng khi phát hiện tiền trong tài khoản chỉ còn hơn 200 triệu đồng. Theo chị, từ tháng 8 đến tháng 11/2015 không thực hiện giao dịch nào. Kiểm tra lịch sử giao dịch, chị Mai không hiểu tại sao số tiền 4 tỷ đồng lại biến mất.
Trình báo công an, chị Mai cho biết, từ tháng 9 tới tháng 10/2015 do ốm phải nằm viện điều trị nên một người bạn thân là Trần Thị Phương (42 tuổi, ở quận Long Biên) thường xuyên tới chăm sóc. Tại đây, Phương bảo chị ký khống vào 4 tờ giấy trắng và cầm chứng minh nhân dân. Chị Mai nói cả hai là bạn thân lâu năm nên xem như người nhà.
Kiểm tra lại quy trình giao dịch, nhà chức trách nhận định, nghi phạm trộm tiền rất thông hiểu quy định hoạt động của ngân hàng. Chủ tài khoản không có mặt khi giao dịch song nghi phạm vẫn xuất trình được ủy nhiệm chi có chữ ký phù hợp với chữ ký và chứng minh nhân dân gốc. Kiểm soát viên đã gọi 2 lần đến số điện thoại của chủ tài khoản đều được xác nhận nên giao dịch vẫn được tiến hành. Theo cảnh sát, để xảy ra sự việc, chủ tài khoản đã sơ suất khi giao giấy tờ, chữ ký “tươi” và chứng minh nhân dân cho người khác đồng thời không quản lý được điện thoại.
Việc để lộ thông tin cá nhân như số điện thoại, tài khoản ngân hàng… đã khiến không ít người phải ngậm đắng nuốt cay. Trường hợp của anh Vũ Minh Nhật (Hà Nội) bỗng thấy thuê bao điện thoại bị khóa. Khi tìm hiểu, phát hiện có người đã dùng bản sao công chứng giả chứng minh nhân dân tới đại lý ở tỉnh Thanh Hóa đăng ký thay đổi thông tin thuê bao, cấp lại sim mới.
Chỉ vài phút sau khi cấp sim số, kẻ gian thực hiện 4 giao dịch trực tuyến trên tài khoản của anh Nhật. Do tài khoản lại liên kết với số điện thoại bị cướp qua SMS banking, anh Nhật mất tổng cộng gần 75 triệu đồng.
Anh Đặng Thanh Hải (TP HCM) cũng bất ngờ nhận thông tin số thuê bao được đổi sang sim mới và khóa thẻ sim. Liên hệ tổng đài, anh nhận được thông báo có người báo mất sim, xin cấp lại sim anh đang dùng. Số điện thoại bị “cướp” đã đăng ký giao dịch Internet và SMS banking trước đó, anh Hải yêu cầu ngân hàng sao kê giao dịch thì phát hiện 30 triệu đồng đã "bốc hơi".
Vào cuộc điều tra, Công an tỉnh Thanh hóa phối hợp cùng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) đã làm rõ thủ phạm của 2 vụ trên là Đinh Xuân Lợi (35 tuổi, trú ở phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa).
Lợi khai do có thời gian giao dịch trực tuyến nên phát hiện ra lỗ hổng trong SMS banking từ số điện thoại mua hàng. Nếu chiếm được thuê bao có đăng ký SMS banking có thể dùng số điện thoại đó để mua hàng. Do đó, Lợi vào các cửa hàng trực tuyến tra số tài khoản ngân hàng và số điện thoại của chủ tài khoản, tìm cách đánh cắp thuê bao để chiếm đoạt tiền.
Ở trường hợp của anh Nhật, biết vợ của anh này bán hàng thời trang nên vờ đặt mua. Lấy được tài khoản, Lợi tìm cách chiếm đoạt sim điện thoại với cách thức tương tự với anh Hải qua giao dịch mua hàng. Sau khi xin được số đện thoại, Lợi lấy Chứng minh nhân dân của một khách hàng sửa lại thông tin theo anh Hải để chiếm đoạt thuê bao và dùng SMS banking để mua hàng trực tuyến.
Theo một chuyên gia bảo mật trong lĩnh vực ngân hàng, nhiều khách hàng còn chủ quan khi sử dụng thẻ tín dụng. Khác với thẻ nội địa ATM, khi dùng thẻ tín dụng để thanh toán trực tuyến hệ thống chỉ yêu cầu nhập họ tên chủ thẻ, số thẻ , thời hạn hiệu lực, ngày hết hạn và mã xác thực thẻ (CVV). Tất cả được in ở mặt trước và mặt sau của thẻ nên chỉ cần chụp lại thông tin trên thẻ là có thể dùng được. Thực tế có nhiều khách hàng mất tiền nhưng chỉ khi ngân hàng thông báo biến động số dư qua tin nhắn SMS banking hoặc cuối tháng xem bảng sao kê ngân hàng gửi về mới biết. |
* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi
Theo An ninh thế giới