Ngày 27/6, sau gần ba tuần xét xử, TAND TP HCM trả hồ sơ để điều tra lại hành vi tiếp tay cho nhóm doanh nghiệp buôn lậu, lừa chiếm đoạt tiền thuế, do Nguyễn Văn Biên (52 tuổi, nguyên Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu Khánh Bình, tỉnh An Giang) cùng 26 cán bộ hải quan của An Giang và 3 người thuộc Chi cục Hải quan TP HCM, thực hiện.
Là người cầm đầu vụ án, Trần Thị Bích Tuyền (37 tuổi, nguyên giám đốc Công ty TNHH Lam Tuyền và Công ty TNHH Đại Đắc Tài), Lê Dũng (62 tuổi, nguyên giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn - doanh nghiệp có 51% vốn Nhà nước) cùng đồng phạm bị truy tố về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Buôn lậu, Đưa hối lộ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đây là một trong những đại án có số lượng cán bộ hải quan bị xử lý nhiều nhất từ trước đến nay. Ngoài 43 bị cáo bị đưa ra xét xử, còn 2 người khác đang bỏ trốn.
Quá trình xét xử, hầu hết các bị cáo đều cho rằng đã làm đùng quy trình, thủ tục hải quan, không nhận tiền từ Công ty cổ phần Thực phẩm công nghệ Sài Gòn. Thường, họ chỉ được đội trưởng nghiệp vụ và đội trưởng tổng hợp bồi dưỡng 50.000-200.000 đồng. Tiền các doanh nghiệp cho ăn trưa chứ không nhiều như cáo trạng truy tố và không có việc ăn chia theo phần trăm.
Riêng cán bộ hải quan Nguyễn Văn Dũng khai nhận đã ký khống hồ sơ xuất khẩu cho Công ty cổ phần Thực phẩm công nghệ Sài Gòn. Ban đầu Dũng không ký vào các tờ khai nhưng sợ "mất lòng lãnh đạo". Dũng thừa nhận Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu Khánh Bình Nguyễn Văn Biên đã chỉ đạo ký khống để nhận 0,3% trên giá trị hàng hóa ghi trên tờ khai.
Theo Dũng, sau ca trực, tiền được chia cho chi cục trưởng hưởng 25%, các chi cục phó mỗi người 15%; còn lại chia cho đội trưởng, công chức 11% và chi phí tiếp khách. Số tiền này gồm của Công ty cổ phần Thực phẩm công nghệ Sài Gòn và nhiều doanh nghiệp khác. Trong khi đó giám đốc công ty này kêu oan, phủ nhận toàn bộ nội dung cáo trạng.
Bị cáo Tuyền không chấp nhận nội dung truy tố mình về tội Đưa hối lộ. Tuyền cũng không thừa nhận mình là người cầm đầu, mà chỉ làm việc cho một người đàn ông ở Campuchia. Tuy nhiên, tòa đã công bố xác minh không có người đàn ông nào điều hành hoạt động kinh doanh tại Campuchia như Tuyền khai.
Kết quả điều tra xác định, Tuyền đứng ra thành lập nhiều công ty “ma” để làm ăn phi pháp. Lợi dụng chính sách khuyến khích xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài và hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho các doanh nghiệp, Tuyền nảy sinh ý định kiếm đối tác ký hợp đồng xuất khẩu khống, để chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Sau đó, Tuyền bàn với Hứa Châu – giám đốc các công ty tư nhân - rồi cả hai đặt vấn đề với giám đốc Lê Dũng.
Được Dũng đồng ý, Tuyền làm hợp đồng xuất khẩu 20.000 kg gạo trị giá 190 triệu đồng tại cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực IV (TP HCM) nhưng khai báo là 3.000 thùng thuốc lá trị giá 23,6 tỷ đồng. Tuyền đã móc nối với một loạt cán bộ hải quan để họ làm ngơ việc này.
Tương tự, từ tháng 5/2011 đến tháng 9/2013, Lê Dũng lấy danh nghĩa công ty ký 145 hợp đồng khống với nội dung bán thuốc lá và các mặt hàng thực phẩm khác cho Tuyền, sau đó xuất khẩu sang Campuchia. Tổng giá trị các hợp đồng là hơn 1.370 tỷ đồng, tương đương thuế GTGT 134,5 tỷ.
Để có được những bộ hồ sơ khống, Tuyền, Dũng và đồng phạm tiếp tục “lót tay” hàng chục quan chức, cán bộ hải quan cửa khẩu Khánh Bình. Họ làm thủ tục xin hoàn thuế được 80,3 tỷ rồi chiếm đoạt.
Sau này, Tuyền và Dũng tiếp tục ký thêm nhiều hợp đồng khống khác trị giá hàng trăm tỷ để làm thủ tục hoàn thuế hơn 40 tỷ nhưng chưa hoàn tất thì bị phát hiện.
Tháng 9/2013, Đội kiểm soát chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan kiểm tra 2 container của Công ty thực phẩm Công nghệ Sài Gòn, phát hiện hàng xuất khẩu không phải là 3.000 thùng thuốc lá như tờ khai mà là 20.000 kg gạo trắng, trị giá chỉ 190 triệu đồng. Trong lúc cơ quan chức năng đang thực hiện kiểm tra thì Hứa Châu gom 2.000 thùng thuốc lá, đóng vào 2 container nhằm vận chuyển đến Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 4 để đánh tráo nhưng bị phát hiện.
Trong vụ án, phần lớn các cán bộ hải quan được tại ngoại.
Hải Duyên