Bản dự thảo báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ ra nhiều sai sót, vi phạm của cơ quan điều tra dẫn đến oan, sai… Thực trạng này vừa được đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mổ xẻ tại phiên họp ngày 19 và 20/3.
Theo dự thảo báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội về tình hình oan, sai trong hình sự được công bố sáng 20/3, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ hình sự vẫn còn những thiếu sót, vi phạm. Từ đó dẫn đến một số trường hợp oan, sai, có vụ rất nghiêm trọng, gây dư luận không tốt. Khởi đầu của những sai sót đó thuộc trách nhiệm của cơ quan điều tra.
Sai sót đầu tiên được đoàn giám sát chỉ ra là công tác điều tra thu thập chứng cứ đối với loại án giết người, cướp tài sản, hiếp dâm và giết người không quả tang còn yếu kém. Thậm chí có những vụ vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương dẫn chứng một số vụ qua giám sát thấy quá trình khám nghiệm không thu thập, làm rõ đến cùng những dấu vết, chứng cứ quan trọng từ hiện trường, tử thi, dấu vết con người của thủ phạm như dấu chân, vân tay, sợi tóc... Có những hồ sơ vụ án cho thấy có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như biên bản ghi lời khai bị tẩy xóa, sửa chữa, thiếu khách quan, ngụy tạo chứng cứ, không kịp thời giải quyết khiếu nại kêu oan, đơn tố cáo bị bức cung, nhục hình…
Dẫn lại vụ án Lê Bá Mai (Bình Phước) bị kết án về tội hiếp dâm trẻ em và giết người, dự thảo báo cáo cho rằng quá trình khám nghiệm hiện trường trong vụ án này đã không tổ chức nhận dạng nạn nhân để xác định người bị giết có phải là cháu Út hay không. Việc thu giữ đồ vật, tài sản không có lệnh của người có thẩm quyền, việc ghi biên bản mô tả đồ vật, tài sản thu giữ thiếu chính xác, dùng từ ngữ thể hiện tùy tiện làm cho cùng một vật chứng lại có cách hiểu khác nhau…
Một vụ án khác được nhắc đến là vụ Đỗ Minh Đức (Hải Phòng) bị kết án về tội giết người. Trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, Đức đều không nhận tội và cho rằng các bị cáo khác (bị kết án về tội gây rối trật tự công cộng) đã đổ tội cho mình. Tuy nhiên, Đức vẫn bị kết án với chứng cứ chỉ có lời khai gián tiếp của đồng bọn về việc Đức tự khoe mình đâm người bị hại. Vụ án xảy ra 10 năm, đến nay, một đồng phạm có lời khai về Đức đâm chết bị hại đã chết, một số đang ở nước ngoài. Thời gian lâu như vậy nên không thể lấy được vân tay trên chuôi dao đâm chết nạn nhân để giám định.
Cũng theo đoàn giám sát, ngoài những sai phạm cơ bản trên, hoạt động điều tra tại một số địa phương còn có thiếu sót, vi phạm tố tụng như biên bản ghi lời khai sơ sài, không ghi tư cách người tham gia tố tụng, cùng một thời gian điều tra viên lấy lời khai của nhiều người ở các địa điểm khác nhau; không làm rõ mâu thuẫn trong lời khai của các bị can và giữa lời khai của bị can với người làm chứng, người bị hại; biên bản hỏi cung bị tẩy, sửa, thiếu chữ ký của bị can….
“Những vi phạm, thiếu sót này là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện về điều tra, thu thập chứng cứ và số vụ phải trả hồ sơ điều tra bổ sung còn nhiều, làm kéo dài việc giải quyết vụ án”, dự thảo báo cáo kết quả giám sát nhận định.
Cũng theo dự thảo, trong ba năm qua có 46 đơn tố cáo về bức cung, nhục hình trong hoạt động điều tra (đã giải quyết 40 đơn). Có 26 vụ/40 bị can nguyên là cán bộ công an bị tố cáo về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, trong đó có 12/26 bị can bị truy tố về tội dùng nhục hình.
Một số địa phương để xảy ra việc dùng nhục hình gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết người, gây bức xúc trong dư luận, như vụ điều tra viên ở Sóc Trăng dùng nhục hình ép bị can Trần Văn Đở và sáu bị can khác phải khai theo ý chí của mình là đồng phạm trong vụ giết người, cướp tài sản, dẫn đến việc khởi tố, bắt giam oan bảy người. Vụ 5 công an TP Tuy Hòa (Phú Yên) dùng nhục hình với 70 vết thương dẫn đến cái chết của anh Ngô Thanh Kiều (sắp tới đây sẽ xử sơ thẩm lần hai)...
Theo đoàn giám sát còn có tình trạng điều tra viên đã mớm cung, dụ cung trong quá trình lấy lời khai người bị tạm giữ hoặc hỏi cung bị can. Điển hình, vụ Nguyễn Toàn Thắng (Bình Phước) bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội hiếp dâm trẻ em. Điều tra viên dụ cung: “Nếu nhận tội thì sẽ cho về thi tốt nghiệp phổ thông và đại học”…
Đoàn giám sát nhận thấy trên thực tế, việc tố giác bức cung, nhục hình và việc điều tra chứng minh gặp nhiều khó khăn do hành vi phạm tội xảy ra tại địa điểm, bối cảnh đặc biệt, khép kín. Nhiều trường hợp chỉ khi ra tòa bị cáo mới khai được việc mình bị bức cung, nhục hình nhưng phần lớn những lời khai này cũng không được HĐXX thẩm tra, làm rõ.
“Việc giải quyết các đơn thư tố cáo về bức cung, dùng nhục hình trong quá trình điều tra còn chậm. Việc xử lý đối với cán bộ vi phạm có biểu hiện nương nhẹ”, dự thảo báo cáo nhận định.
Theo Pháp luật TP HCM