Ngày 24/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự.
Cho ý kiến về tội làm nhục người khác và vu khống, đại biểu Nguyễn Thị Xuân nêu vấn đề, hoạt động xuyên tạc, bịa đặt và lan truyền những nội dung sai sự thật nhằm bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm danh dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ngày càng gia tăng, nhất là vào các thời điểm chính trị nhạy cảm như Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội.
Theo bà Xuân, điều này tạo dư luận xấu, gây hoang mang, giảm sút niềm tin của người dân không chỉ đối với cá nhân các lãnh đạo mà còn ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương, chính sách.
"Tôi đề nghị bổ sung quy định để ngăn chặn có hiệu quả đối với loại hành vi này. Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước trên thế giới cũng đã quy định liên quan vào bộ luật hình sự", bà Xuân nói.
Liên quan đến tội bạo loạn ở Điều 112 và tội khủng bố Điều 133, đại biểu Xuân cho rằng việc đưa hành vi cướp phá tài sản nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân vào Điều 112 là không phù hợp. Bởi lẽ, đặc trưng của loại tội bạo loạn là các hành vi hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức nhằm chống chính quyền nhân dân, nhưng không có mục đích chiếm đoạt tài sản.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng), cấu thành của 3 tội bạo loạn, khủng bố và phá hủy cơ sở vật chất, kĩ thuật của nhà nước đã được phân định hợp lý, rõ ràng trong Bộ luật hiện hành, được thể hiện qua các hành vi nguy hiểm đặc trưng của từng tội danh.
"Dự thảo bổ sung hành vi cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân vào Điều 112 và hành vi phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân vào Điều 113, sẽ tạo ra sự chồng chéo, không thống nhất trong cấu thành tội phạm của 3 tội danh. Trên thực tế sẽ xảy ra tình huống không thể xác định được hành vi nào là cướp phá tài sản hay phá hủy tài sản và sẽ cấu thành tội phạm nào", ông Hiển phân tích.
Đại biểu này cho rằng, nếu bổ sung như trên thì trong thực tế còn nhiều hành vi nguy hiểm tương tự, chẳng hạn cố ý gây thương tích, làm nhục cán bộ, công chức hoặc người khác nhằm chống chính quyền nhân dân... "Không lẽ tất cả các hành vi này đều phải bổ sung", ông Hiển nói.
Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực từ 1/72016, tuy nhiên trước việc các cá nhân, tổ chức đã phát hiện và phản ánh có nhiều sai sót kỹ thuật, một số quy định chưa hợp lý hoặc khó áp dụng nên Quốc hội cho lùi hiệu lực thi hành để sửa đổi.
Tháng 10/2016, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về phạm vi sửa đổi, bổ sung liên quan đến 141 điều trong đó có 38 điều sửa đổi về kỹ thuật, 102 điều sửa đổi về nội dung. Tại kỳ họp lần này, Quốc hội tiếp tục thảo luận và dự kiến sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự cũng như Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật này vào ngày 20/6.
Ngày 18/4, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đã nêu thực trạng nhiều người dùng đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên mạng internet; lập các trang Facebook mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước. "Đâu là giải pháp cho việc này?", ông hỏi. Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, thời gian qua, các đơn vị chức năng của Bộ đã yêu cầu Google ngăn chặn, gỡ bỏ 2.200 video "nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo" phát trên YouTube. Đến ngày 12/4, Google đã hạ 1.299 "video xấu độc, trong đó có một tài khoản YouTube đăng tải 500 video thông tin xuyên tạc về lãnh đạo". Ngoài ra, trong cuộc làm việc ngày 4/4, Bộ tiếp tục yêu cầu Google thiết lập cơ chế ngăn chặn, gỡ bỏ "thông tin xấu độc", vi phạm pháp luật Việt Nam trên các nền tảng khác của hãng này như blog, trang web. Cơ quan chức năng Việt Nam cũng đã làm việc với đại diện của Facebook về vấn đề nêu trên. Vừa qua Bộ Thông tin và truyền thông ban hành thông tư 38, là cơ sở pháp lý yêu cầu các hãng công nghệ nước ngoài tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam. |