Bộ Tư pháp vừa công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 để lấy ý kiến của các cơ quan, ban ngành. Trong dự thảo trình Chính phủ, cơ quan này cho biết, trong bối cảnh đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới, các quan hệ hôn nhân và gia đình đã có những thay đổi đáng kể cần có sự điều chỉnh phù hợp của pháp luật. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 sau 13 năm áp dụng đã đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như chưa tạo được cơ chế pháp lý linh hoạt, phù hợp với bản chất của các quan hệ hôn nhân và gia đình...
Về vấn đề kết hôn đồng giới, Bộ Tư pháp cho biết có 2 luồng ý kiến khác nhau. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, chưa nên thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính nhưng trong Luật Hôn nhân và gia đình cần phải có các quy định góp phần ngăn ngừa thái độ kỳ thị người đồng giới; đồng thời tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các quan hệ về tài sản và con (nếu có) trong trường hợp họ sống chung với nhau như vợ chồng.
Ý kiến này xuất phát từ quan niệm truyền thống cũng như thực tiễn dựng vợ, gả chồng của người Việt Nam hàng ngàn năm nay thì quan hệ vợ chồng phải là quan hệ tình cảm giữa hai người khác giới, tức là giữa nam và nữ. Do đó, việc luật hóa hôn nhân giữa những người cùng giới tính cũng cần phải được xem xét, cân nhắc, nhìn nhận trên nhiều khía cạnh khác nhau, đặc biệt là phải có lộ trình, bước đi phù hợp.
Kinh nghiệm một số nước trên thế giới cho thấy, vấn đề này nên được giải quyết theo lộ trình. Trước hết, Nhà nước thừa nhận quyền chung sống như vợ chồng của người đồng tính, sau đó mới có quy định thừa nhận hôn nhân giữa những người này. Ví dụ, Hà Lan quy định về việc đăng ký kết hợp dân sự giữa những người cùng giới tính vào năm 1998, nhưng đến năm 2001 mới thừa nhận chính thức hôn nhân hợp pháp giữa người cùng giới; Canada thừa nhận quyền chung sống của người đồng tính vào năm 1999, đến năm 2005 mới được thừa nhận quyền hôn nhân giữa họ với nhau...
Luồng ý kiến thứ hai lại cho rằng, quan hệ hôn nhân giữa người cùng giới tính là không phù hợp với chức năng xã hội của hôn nhân cũng như với quan niệm truyền thống về hôn nhân và gia đình ở nước ta. Vì vậy, cần tiếp tục duy trì quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính như quy định hiện hành.
Bộ Tư pháp cho biết đồng ý với ý kiến thứ nhất và tại dự thảo Luật đã đề xuất bãi bỏ khoản 5 Điều 10 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, đồng thời bổ sung quy định về giải quyết hậu quả việc sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính.
Theo quy định tại Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, những trường hợp cấm kết hôn bao gồm: người đang có vợ hoặc có chồng; người mất năng lực hành vi dân sự; giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; giữa những người cùng giới tính. |
Nam Anh