Chiều nay, đại tá Trần Mưu (Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra, Phó giám đốc Công an TP Đà Nẵng) cho biết nhà chức trách đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra vụ chìm tàu thảm khốc trên sông Hàn xảy ra hôm 4/6.
Vụ án sẽ điều tra theo điều 212 Bộ luật Hình sự - tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy. "Ngoài trách nhiệm của chủ tàu và lái tàu, chúng tôi sẽ xem xét cả những cá nhân, tổ chức có liên quan với quan điểm xử lý quyết liệt, đến cùng", đại tá Mưu nhấn mạnh.
Ngày mai, Công an Đà Nẵng sẽ thành lập tổ công tác khám nghiệm hiện trường. Với chủ tàu Võ Quốc Hùng và lái tàu Lê Công Chí, sau khi lực lượng biên phòng lấy xong lời khai ban đầu sẽ bàn giao cho cơ quan công an thụ lý theo thẩm quyền.
Trước đó khoảng 20h30 ngày 4/6, tàu Thảo Vân 2 số hiệu ĐNa0016 do ông Lê Công Chí làm thuyền trưởng đã chở 55 người (trong đó có 2 nhân viên của tàu) rời cảng sông Hàn. Đi được chừng 10 phút, tàu bất ngờ nghiêng rồi lật úp.
Hai tàu du lịch và một cano ở gần đó đã nhanh chóng cứu được hơn 40 nạn nhân, một số người biết bơi tự dìu người thân vào bờ. 3 người tử nạn.
Nguyên nhân vụ tai nạn ban đầu được xác định do chủ tàu không chấp hành các quy định về vận tải, tàu chở quá số người quy định.
Chiều 5/6, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến hiện trường tìm kiếm 3 nạn nhân mất tích trên sông Hàn và động viên các gia đình có người gặp nạn, anh Đặng Duy Hưng (đoàn 19 người Thái Nguyên) nêu ý kiến cho rằng các đơn vị có thẩm quyền đã quản lý không chặt để cho tàu chở quá tải.
Cho rằng vụ chìm tàu này để lại "tai tiếng không hay", Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh nêu quan điểm "thành phố sẽ xử lý nghiêm".
Tàu Thảo Vân 2 được hoán đổi từ tàu cá sang tàu du lịch, là tàu nhỏ nhất trong các tàu du lịch đang chở khách trên sông Hàn. Năm 2014, tàu từng bị chìm, 10 hành khách may mắn thoát nạn.
Theo chính quyền Đà Nẵng, tàu còn hạn đăng kiểm, có 28 chỗ ngồi nhưng chưa đăng ký vận tải hành khách. Trong chuyến đi trước khi lật, tàu đã chở tới 56 người.
Điều 212: Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ 1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường thuỷ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến 5 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến 10 năm: a) Không có giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn tương ứứng với nhiệm vụ được giao; b) Trong tình trạng dùng rượu, bia quá nồng độ quy định hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác; c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; d) Không chấp hành hiệu lệnh của người chỉ huy hoặc người có thẩm quyền điều khiển, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ; đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm. |
Nguyễn Đông