Bước vào ngày làm việc thứ 3 của phiên xét xử Huỳnh Thị Huyền Như cấu kết với đồng bọn lừa gần 4.000 tỷ đồng, HĐXX dành toàn bộ thời gian làm việc buổi sáng để thẩm vấn các bị cáo nguyên là cán bộ của Vietinbank, VIB về hành vi thiếu trách nhiệm và vi phạm các quy định trong hoạt động tín dụng dẫn đến hậu quả để Như chiếm đoạt số tiền lớn.
Được mời lên thẩm vấn đầu tiên, Tống Nguyên Dũng, nhân viên tín dụng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank chi nhánh TP HCM cho biết, khi mới làm tại Vietinbank chi nhánh TP HCM đã được Huyền Như hướng dẫn. Sau này Dũng chuyển sang làm nhân viên tại phòng giao dịch Điện Biên Phủ do Như làm trưởng phòng. Quá trình thẩm định hồ sơ cho vay vốn và sổ tiết kiệm do Như làm giả, Dũng đã bỏ qua nhiều khâu trong quy trình thẩm định. Trong đó có việc tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Tuy nhiên, trong các hồ sơ do Như đưa thiếu nhiều chữ ký của chủ tài khoản cũng như không gặp mặt khách hàng nhưng Dũng vẫn thông qua.
“Bị cáo biết chị Như là cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm và được lãnh đạo đánh giá cao. Chị ấy là cấp trên trực tiếp nên bị cáo rất tin tưởng. Hơn nữa, bị cáo nghĩ các chủ tài khoản không có tiền trong ngân hàng thì không thể ra sổ tiết kiệm”, Dũng lý giải về hành vi chấp nhận hồ sơ không đủ điều kiện và cho biết do Như nói đã tiếp xúc khách hàng rồi nên rất yên tâm.
Cựu nhân viên ngân hàng cũng thừa nhận việc làm của mình là sai quy định về nghiệp vụ và gây thiệt hại tổng cộng 74 tỷ đồng, nhưng cho rằng mình chỉ là nạn nhân của Như.
Quá trình xét hỏi, chủ tọa cũng làm rõ bị cáo Trần Thanh Thanh – nguyên phó phòng dịch vụ khách hàng phòng giao dịch Vietinbank Điện Biên Phủ (sau này được bổ nghiệm thay Huyền Như làm trưởng phòng), đã có hành vi làm sai quy trình, giải ngân 6 hồ sơ tín dụng do Như đề nghị dưới hình thức sổ tiết kiệm có giá trị 25 tỷ. Những hồ sơ này dù không có khách hàng thật nhưng Thanh vẫn ký. Lý giải về việc làm này, cựu cán bộ ngân hàng cho rằng do mới được bổ nhiệm nên chưa nắm được tình hình và rất tin tưởng vào Như - người tiền nhiệm có uy tín.
“Trước khi giải ngân bị cáo cũng đã cân nhắc, lấy các sổ tiết kiệm bảo đảm ra kiểm tra trên hệ thống thì thấy những tài khoản này đều có thật. Bị cáo nghĩ, điều quan trọng khi cho vay là khả năng thu hồi vốn nên đã linh động giải quyết. Hơn nữa lúc này bị cáo nhận được điện thoại của anh Hoàng (cấp trên của Thanh) có nói tạo điều kiện giải quyết những hồ sơ này”, bị cáo Thanh nói.
Còn bị cáo Bùi Ngọc Quyên – nguyên phó phòng giao dịch Điện Biên Phủ Vietinbank chi nhánh TP HCM (cấp dưới trực tiếp của Huyền Như) bị cáo buộc đã phê duyệt cho vay 29 hồ sơ trị giá 122 tỷ mặc dù không có chữ ký khách hàng. Giải thích về lý do dẫn đến những thiếu sót này, Quyên cho rằng, sau khi kiểm soát tài sản đảm bảo thấy không có chữ ký của khách đã báo lại nhưng Như nói "khách hàng là chỗ quen biết, do bận làm ăn chưa thể hoàn thành hồ sơ" nên để chị Như trực tiếp lấy.
“Như là người rất đáng tin cậy, từng mang về cho ngân hàng nhiều khách hàng lớn, được lãnh đạo đánh giá cao và có uy tín nên bị cáo quá tin tưởng dẫn đến những sai lầm này. Sau tất cả những gì xảy ra, bị cáo thấy mình chính là nạn nhân của Như cũng bởi một phần non kém nghiệp vụ và non kém về kinh nghiệm xã hội”, Quyên nức nở.
Tương tự, các bị cáo Hoàng Hương Giang, Phạm Thị Tuyết Anh (nguyên giao dịch viên phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank chi nhánh TP HCM) cũng thừa nhận trong quá trình tiếp nhận hồ sơ vay, sổ tiết kiệm cũng như khi giải ngân tiền đều thấy hồ sơ còn nhiều thiếu sót, nhưng vì tin tưởng Như nên bỏ qua truy trình.
“Các bị cáo đều bảo rằng vì tin tưởng Như. Khi thẩm định hồ sơ nghĩ chỉ thiếu chữ ký, hoặc không cần gặp gỡ khách nên đều bỏ qua quy trình. Nếu mỗi người cứ bỏ qua một chút như thế thì còn gì là quy trình xét duyệt nữa", thẩm phán - chủ tọa Nguyễn Đức Sáu nhấn mạnh.
Tiếp đó, HĐXX chuyển sang thẩm vấn thêm 7 cựu cán bộ và nhân viên tín dụng của phòng giao dịch, Đinh Tiên Hoàng, Võ Văn Tần của Vietinbank chi nhánh TP HCM. Hầu hết các bị cáo này đều thừa nhận có sai sót trong quá trình tiếp nhận, ký duyệt các hồ sơ Như gửi gắm để mở tài khoản tiết kiệm giả hoặc hợp đồng vay mượn. Riêng bị cáo Vũ Nguyễn Xuân Tiên – nguyên phó phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng không thừa nhận có sai sót trong việc duyệt giải ngân cho 6 hồ sơ vay dưới hình thức thế chấp sổ tiết kiệm đứng tên 3 nhân viên ngân hàng ACB mà Như làm giả với giá trị hơn 33 tỷ đồng. Khi chủ toạ công bố lời khai nhận tội trước đó của Tiên tại cơ quan điều tra, bị cáo này cho rằng "bị điều tra viên ép cung".
Liên quan đến việc để cho Huyền Như chiếm đoạt số tiền 180 tỷ của VIB, Huỳnh Hữu Danh – nguyên là nhân viên ngân hàng VIB chi nhánh TP HCM thừa nhận đã sai phạm trong việc làm thủ tục cho 12 cá nhân do Như giới thiệu để vay 480 tỷ. Danh khai, năm 2008, Như từng đến chi nhánh vay tiền và được ngân hàng phê duyệt cho vay mua nhà đất 7 tỷ đồng. Trong hợp đồng này Như đã tất toán trước thời hạn nên rất tin tưởng và không ngờ được trong 12 hợp đồng vay sau này đều do Như làm giả và lấy danh của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè.
“Sau khi cơ quan điều tra kết luận, bị cáo thấy đúng là mình có lỗi. Nhưng xét thấy, trong toàn bộ vụ việc đều nằm ngoài suy nghĩ của bị cáo và bị cáo cũng là nạn nhân của Như”, Danh phân trần.
Hải Duyên