Bà Mận (74 tuổi, Hà Nội) được con cháu kính nể bởi trình độ công nghệ thông tin. Ngoài việc cụ có thể gõ văn bản tốc độ cao, lướt web, viết email… thì khả năng chat chit cũng “thượng thừa”. Chồng bà mất từ lâu, các con mừng thầm khi thấy bà ham lên mạng, có nhiều bạn trò chuyện qua đây.
Cuối năm 2015, bà Mận quen người đàn ông nước ngoài xưng tên Winston Hiddenstone, quốc tịch Mỹ. Winston khoe đang ở đơn vị lính thủy đánh bộ đóng tại khu vực vịnh Ả rập, do quá mê nghiệp binh nên giờ này vẫn chưa có "bến đỗ".
Sau thời gian nói chuyện qua mạng, Winston cho biết sẽ gửi một thùng quà có giá trị lớn cho bà Mận. Mấy hôm sau có người xưng là nhân viên của công ty chuyển phát nhanh yêu cầu bà chuyển cho 1.500 USD phí dịch vụ. Khi bà Mận còn đang nghi ngờ, Winston chuyển cho bà hình ảnh của thùng quà kèm số vận đơn để bà có thể tra trên mạng Internet.
Tra thấy trùng khớp, bà Mận 3 lần gửi tiền vào số tài khoản theo yêu cầu. Tiếp đó, Winston bảo rằng hắn bị thương và phải chuyển về Mỹ. Mọi việc về kiện hàng đã được ủy quyền cho luật sư Mike Shaw. Mike liên lạc với bà Mận, cho biết do công ty chuyển phát làm việc không tốt nên kiện hàng đã được chuyển sang Malaysia. Mike cũng mời bà sang thủ đô nước này để nhận. Tuy nhiên bà phải mang sẵn 36.000 USD để nộp thuế cho chính quyền nước sở tại.
Bà Mận bay sang Malaysia để gặp Mike và được rủ tham gia làm ăn. Tại một căn phòng trong khách sạn, Mike cùng một người đàn ông đưa cho bà Mận xem một tập giấy trắng rồi thu lại. Tiếp đó hắn ta lấy ra trong tủ một chiếc bình, rồi nhỏ thứ nước trong bình vào tập giấy trắng. Bà Mận trông thấy chỉ vài phút sau 5 tờ giấy trắng ban đầu đã hóa thành 5 tờ tiền mệnh giá 100 USD. Sau đó Mike còn biểu diễn thêm mấy lần nữa.
Mang mấy tờ giấy bạc về Việt Nam, bà Mận đưa cho đứa cháu xem và được khẳng định là tiền thật. Ngay hôm sau, bà lấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của gia đình mang ra ngân hàng vay tiền chuyển cho nhóm Mike.
Bà Mận còn thêm hai lần sang Singapore và chuyển cho chúng hàng trăm nghìn USD nữa, hy vọng chúng sẽ bán cho bà số hóa chất để có thể kiếm lại 3 triệu USD. Tổng cộng bà đã ra nước ngoài 3 lần, 9 lần chuyển khoản tổng cộng 6,2 tỷ đồng. Vậy nhưng, tất cả những gì bà nhận được chỉ vỏn vẹn 1.000 USD và những kiện hàng trên mây trên gió.
Như bà Mận, ông Tuấn ( 72 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn sống lẻ bóng vì vợ ông mất đã được gần 20 năm. Thấy ông buồn, đám con cháu bày vẽ cho ông lên mạng đọc báo, rồi còn lập Facebook để ông chat chit với mấy đứa cháu đang du học trời Âu.
Bỗng nhiên một hôm, ông Tuấn gọi anh con trai cả lên bảo muốn đi du lịch nước ngoài vài tuần. Cả nhà đều bất ngờ, nhưng rồi cũng ủng hộ. Về nước sau chuyến đi ông Tuấn tỏ ra phấn khởi. Chừng hai tuần sau, ông lại bảo con dâu đặt vé máy bay đi Singapore.
Anh con trai ông nói rằng sau lần đi đó, một tuần sau ông lại đòi sang tiếp. Khi con cháu phản đối, ông bực ra mặt, tự đặt vé và lên đường một mình.
Sau chuyến này, anh sinh nghi khi thấy bố mang 10 tờ tiền mệnh giá 100 USD nhờ đứa cháu đổi hộ ra tiền Việt. Lần trước anh cũng đưa USD cho cụ, nhưng mệnh giá cao nhất cũng chỉ đến 10 USD. Thấy sự lạ, anh nhiều lần dò hỏi mà ông chả nói gì. Cuối cùng một bữa chờ bố ngủ say, anh nhờ đứa cháu sang “mượn” chiếc laptop của ông. Kiểm tra máy, anh Hòa và vợ choáng váng khi biết rằng bố có bồ ở tận Singapore. Hơn nữa, trong đoạn chat còn liên tiếp thể hiện cô bồ dặn ông cụ chuẩn bị 30-40.000 USD để làm việc gì đó.
Sau nhiều ngày tỉ tê tâm sự, ông Tuấn mới kể hết sự tình cho con cháu nghe. Đầu 2016, ông làm quen với một cô gái qua mạng, nảy sinh tình cảm, được người tình rủ sang Singapore chơi. Tại đây, cô gái bật mí với ông rằng đang có một phi vụ làm ăn rất hoành tráng và rủ tham gia.
Với thủ đoạn giống như bà Mận ở trên, chúng khoe rằng có thể tẩy được giấy trắng thành đô la, cũng đưa cho ông 10 giấy bạc mệnh giá 100 USD vừa được tẩy rửa về Việt Nam để thử tiêu xem có được không.
Mang số tiền đô đó ra ngân hàng đổi được hơn 20 triệu đồng, mừng quá, ông Tuấn lập tức gom sổ tiết kiệm được hơn 80.000 USDmang sang đưa cho người tình.
Thỉnh thoảng, cô gái lại nhắn cho ông Tuấn chuyển khoản để các chi phí phát sinh. Bằng thủ đoạn đó, bồ nhí đã lừa ông Tuấn 8 lần, tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng. Sau khi đã ẵm sạch tiền của ông Tuấn, cô gái lập tức xóa tất cả thông tin, hình ảnh trên mạng...
Theo một cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Hà Nội, trò lừa đảo “đô la đen” hay còn gọi là các “phù thủy đô la” xuất hiện tại Việt Nam là ở Hà Nội từ năm 1998, phát triển mạnh mẽ ở khu vực phía Nam, đặc biệt tại TP HCM. Những kẻ lừa đảo chủ yếu sử dụng phương thức làm quen kết bạn qua mạng xã hội. Bằng nhiều chiêu khác nhau, các bị hại sẽ bị thuyết phục tự nguyện mua dung dịch tẩy rửa với chi phí rất đắt đỏ (khoảng 30-70.000 USD/lọ) cùng lời hứa sẽ được chia số tiền thu được.
Chiêu “tẩy” những tờ giấy trắng (hoặc đen) thành tiền thật được cảnh sát giải thích rằng trước đó đồng đô la thật đã được quét một lớp keo Elmer bảo vệ, sau đó nhúng vào dung dịch cồn iốt. Khi đem sấy khô, đồng tiền chuyển màu đen như mảnh giấy thủ công. Sau đó, tiền đã nhuộm đen được xếp lên những cọc giấy thủ công thật cắt theo kích cỡ đồng 100 USD.
Khi trình diễn cho "con mồi" xem, kẻ lừa đảo dùng dung dịch “ma thuật” rửa lớp đen bên ngoài đồng tiền thật, tiền sẽ về trạng thái ban đầu. Dung dịch rửa thực chất chỉ là nước pha viên vitamin C được nghiền tan hoặc nước trái mâm xôi để lạnh.
Để xóa tan nghi ngờ của nạn nhân, những tên lừa đảo còn cho nạn nhân lấy bất cứ tờ giấy đen nào trong thùng, rồi khéo tráo bằng tiền thật được phủ đen. Nạn nhân thậm chí còn được khuyến khích mang tiền đi kiểm tra hoặc tiêu trên thị trường để đảm bảo đó là tiền thật.
* Tên các nạn nhân đã thay đổi
Theo Cảnh sát toàn cầu
>>Cô gái sập bẫy quà tặng 320.000 USD của bạn trai trên mạng