- Trách nhiệm của địa phương thế nào trong vai trò "trọng tài" thúc đẩy việc thỏa thuận hỗ trợ giữa Công ty Long Sơn (huyện Tuy Đức) và người dân, từ năm 2008 đến nay?
- Việc đối thoại giữa người dân và công ty này đã được tỉnh nhiều lần chỉ đạo. Huyện cũng nhiều lần mời các bên lên để thỏa thuận. Tuy nhiên, phía công ty cũng "cù nhầy" về mức hỗ trợ với người dân nên vụ việc kéo dài. Trước mắt, tỉnh tập trung vào đảm bảo tình hình an ninh trật tự, an dân và tiến tới thành lập các thôn, ban tự quản vì hầu hết người dân sống ở khu vực này đều là người ở các tỉnh khác đến.
Thường trực Tỉnh ủy đang xem xét, giao cơ quan liên quan làm rõ trách nhiệm các cá nhân, địa phương đối với quá trình giải quyết vụ việc liên quan đến Công ty Long Sơn, dẫn đến vụ án đau lòng. Các cán bộ liên quan cũng phải kiểm điểm trách nhiệm của mình để có hướng xử lý. Vụ việc cũng được Tỉnh ủy báo cáo cho Ban Bí thư Trung ương Đảng.
- Ông đánh giá thế nào khi người dân cho rằng có sự ngó lơ, thậm chí "bảo kê" cho doanh nghiệp của cán bộ, vì họ đã trình báo việc bị Công ty Long Sơn san ủi rẫy mà không được xử lý kịp thời?
- Tôi đã giao xác minh các biểu hiện buông lỏng, thậm chí làm rõ có việc "bảo kê", có lợi ích gì với doanh nghiệp hay không. Sau đó sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm cán bộ liên quan. Sự việc vừa qua là bài học cho công tác quản lý, bám sát địa bàn, lắng nghe nguyện vọng của người dân khi tranh chấp chưa được giải quyết dứt điểm.
Phải khẳng định là ngay từ khi giao đất năm 2008, UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty Long Sơn thỏa thuận với người dân đang canh tác. Tuy nhiên, công ty này cứ hứa hẹn rồi không thực hiện. Để xảy ra vụ án trên, trước tiên cái sai của Công ty Long Sơn là tự ý san ủi mà không báo cáo cho chính quyền địa phương. Thứ hai, công ty không có quyền cưỡng chế đất dân đang làm rẫy, dù đó có là đất lấn chiếm. Trong khi tỉnh, huyện chỉ đạo ngưng thì công ty này không tuân thủ các quy định pháp luật về đất đai. Nói cụ thể hơn là coi thường pháp luật và các chỉ đạo giải quyết của ngành chức năng.
- Quan điểm các cơ quan tố tụng như thế nào đối với hành vi hủy hoại tài sản và các hành vi liên quan của Công ty Long Sơn đối với các hộ dân thời gian qua?
- Tỉnh ủy đã giao cho công an tỉnh khẩn trương điều tra làm rõ các hành vi vi phạm liên quan đến Công ty Long Sơn. Bởi công ty này đã tự ý tổ chức người để cưỡng chế san ủi, lấy đất dân đang trồng điều, cà phê là bậy. Họ còn sử dụng lao động vị thành niên.
Dù anh là ai, anh phải thượng tôn pháp luật đã. Trong khi các ngành tỉnh, huyện đang nỗ lực kêu gọi dân và công ty tiếp tục thỏa thuận để giải quyết các vấn đề còn tranh chấp thì họ lại tự đứng trên pháp luật.
- Cụ thể phương án xử lý của tỉnh như thế nào đối với xung đột vừa qua giữa dân và doanh nghiệp?
- Trong tháng này, đoàn công tác do Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ trì cùng với ban ngành, tiếp tục vào khảo sát tình hình khu vực người dân sinh sống tại các dự án ở xã Quảng Trực, Đăk Ngo (huyện Tuy Đức) để có phương án ổn định dân cư. Đồng thời, thành lập ban tự quản ở các khu vực này, lập trạm y tế và tiến tới lập xã mới để ổn định cuộc sống, sản xuất của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Thực tế thì cuối năm 2014, tỉnh cũng đã có khảo sát và có đề án về ổn định dân cư đang canh tác trên đất lâm nghiệp ở hai xã này.
- Người dân cho rằng việc giao dự án cho Công ty Long Sơn không đúng trình tự quy định, như không khảo sát đất dân đang canh tác nên mới dẫn đến tranh chấp. Trong khi đó, Công ty Long Sơn lại đưa ra mức thỏa thuận 3-5 triệu đồng mỗi ha thì dân không thể chấp nhận?
Ngay từ ban đầu, việc giao dự án cho công ty để trồng và bảo vệ rừng là đúng trình tự, thủ tục. Tuy nhiên, phía công ty đã làm sai trong quá trình thực hiện dự án. Vì UBND tỉnh khi giao dự án đã yêu cầu công ty có trách nhiệm hỗ trợ theo quy định đối với các hộ dân. Tỉnh đang triển khai thu hồi nhiều diện tích của công ty này, chỉ để lại vài trăm ha đã triển khai dự án. Phần còn lại để phân bố cho người dân theo đề án ổn định dân cư, mỗi hộ chưa có đất sẽ được cấp 1.000 m2 đất thổ cư, 2 ha đất sản xuất và 30 ha đất rừng để khoanh nuôi bảo vệ và sản xuất.
Ngoài ra, tỉnh ủy còn giao UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, rà soát tất cả dự án, thu hồi những dự án không hiệu quả, có đất dân canh tác để bố trí lại cho dân (những người không có đất).
Sáng 23/10, Công ty Long Sơn cho 33 người mang ôtô, gậy gộc, đá, khiên... đến san ủi vườn điều của người dân tại khu vực giáp ranh hai xã Quảng Trực, Đăk Ngo. Họ được cho là có kế hoạch cụ thể khi phân công nhân sự phụ trách từng khu vực, ngăn chặn người dân can thiệp vào việc san ủi trái phép. Một nhóm người dân đã dùng súng hoa cải và súng săn bắn vào nhóm Công ty Long Sơn làm 3 người thiệt mạng, 16 người bị thương. Do tính chất nghiêm trọng của vụ án, Bộ Công an được giao trách nhiệm điều tra mà không phải là tỉnh Đăk Nông. Bước đầu, ông Đặng Văn Hiến (40 tuổi), Ninh Viết Bình (34 tuổi) đã đến Bộ Công an đầu thú về hành vi nổ súng vào các nạn nhân. Riêng nghi can Hà Văn Trường (31 tuổi, ngụ Bình Phước) đang bị truy bắt. Vụ án đang được mở rộng điều tra. |
Theo Pháp luật TP HCM