Xóm Xuân Phúc (xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) có đường nhựa liên xã chạy qua, từ nhiều năm nay người dân luôn gặp cảnh có vài nhóm thanh niên đi xe máy ngang nhiên vào xóm rình câu trộm chó. "Không kể ngày hay đêm, chúng đi từng tốp 2 đến 4 người", chị Nguyễn Thị Soa thở dài ngao ngán nói.
Nhiều người khác cho biết, việc mất chó diễn ra như cơm bữa. Đạo chích không đi nửa đêm hay sáng sớm như trước nữa mà táo tợn xông vào nhà dù chó được xích cẩn thận. "Chủ nhà chống cự sẽ bị chúng chém", chị Soa tiếp lời.
Trước nạn trộm chó hoành hành, những nông dân ở xóm Xuân Phúc phải tranh thủ lúc nghỉ trưa để đưa chó ra ngoài đi dạo. Ảnh: Nguyên Khoa |
Đơn cử, chiều 12/10, bố con ông Phạm Bá Cậy (51 tuổi) chở nhau đi làm trên đường liên xã thì gặp Đào Ngọc Lâm (25 tuổi, trú xã Nghi Phong) cùng Hoàng Công Hiệp (26 tuổi, trú xã Nghi Long) chạy xe máy chở theo bao tải đựng chó. Tưởng bố con ông Cậy đuổi theo, hai thanh niên liền quay lại, tông vào xe ông Cậy để gây sự. Hiệp nhảy xuống dùng dao chém ông Cậy. Thấy nhiều người đổ ra đường, Lâm bỏ chạy. Hiệp bị vây đánh hội đồng đến ngất xỉu, chiếc xe Exciter của chúng bị đốt cháy trong sự bức xúc của dân làng.
Khi những người quá khích định đốt luôn tên trộm cùng chiếc xe thì công an xã có mặt ngăn lại. Lực lượng 113 và công an huyện và xe cứu thương đến hiện trường nhưng người dân chặn đầu xe.
Họ yêu cầu nhóm trộm bồi thường cho ông Cậy thì mới "thả" Hiệp để cho ra xe cứu thương. Do bị đánh quá nặng, Hiệp đã tử vong. Công an thu tại hiện trường 7 con chó do Lâm và Hiệp vừa trộm được, một vỏ chai, một lưỡi dao, một thanh kiếm dài 1,2m và chiếc dao dài 70 cm. Người dân còn giữ xác Hiệp gần 5 giờ đồng hồ rồi mới cho gia đình đưa về quê an táng.
Chiều 15/10, Công an huyện Nghi Lộc khởi tố vụ án giết người để điều tra nguyên nhân cái chết của Hiệp đồng thời khởi tố bị can, bắt tạm giam Lâm về tội Trộm cắp tài sản và Cố ý gây thương tích. Trước đó, Lâm từng đi tù 2 lần do trộm chó, Hiệp cùng mới ra tù về cùng hành vi.
Cảnh sát cơ động ngăn hàng trăm người dân đòi giết chết tên trộm chó ở xã Nghi Liên, thành phố Vinh. Ảnh: Nguyên Khoa |
Tại xã Nghi Phú cũng xảy ra vụ việc tương tự. Đêm 20/6, đang ngồi xem tivi, người dân nghe tiếng xe máy nẹt pô cùng tiếng chó sủa liên hồi nên đổ ra đường thì phát hiện hai thanh niên đang câu trộm chó. Mọi người hô hoán, vây bắt, hai thanh niên cuống cuồng tháo chạy. Đến ngã tư giao giữa quốc lộ 46 và đại lộ Lê-Nin, chúng bị ngã xe. Lợi dụng đêm tối, một người bỏ chạy, kẻ còn lại bị cả trăm người vây đánh hội đồng. Chiếc xe bị đốt.
Trước đó, một vụ án mạng nghiêm trọng đã xảy ra tại xã Đông Hưng. Tại cánh đồng xóm Trung Thuận, Nguyễn Đình Phong (27 tuổi) cùng một thanh niên đi câu trộm chó và bị dân làng đuổi bắt. Phong bị đánh đến chết và đốt luôn xác cùng chiếc xe máy.
Nhiều vụ người dân "tự xử" các tên trộm chó cũng xảy ra tại các xã của huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Thanh Chương...
Ông Phạm Sỹ Dũng (Trưởng công an xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc) cho rằng hầu hết các tên trộm chó đều tuổi dưới 30, không nghề, thích ăn chơi đua đòi, một số nghiện hút. "Nghề" bắt chó dù mạo hiểm, dễ bị đánh đến chết nhưng vì hám lợi nhiều thanh niên vẫn lao vào.
Thông thường, khi bị trộm tài sản người dân trình báo công an, hay bắt thủ phạm giao nộp nhưng nếu là "cẩu tặc" thì họ lại hành xử ngược lại. Nhiều người thanh minh, chó là con vật được nuôi để giữ nhà nhưng chỉ trong nháy mắt lại bị bắt mất nên rất bức xúc. Hơn nữa nếu bắt được kẻ trộm thì con vật của họ chắc cũng đã bị bán để giết thịt từ lâu.
Lý do nữa là nhiều "cẩu tặc" bị bắt, đi tù một thời gian ngắn rồi lại tiếp tục "nghề cũ". Một số người cho rằng hình phạt đủ nặng để răn đe nên họ "tự thực thi công lý" để làm gương cho những kẻ khác.
Ông Phạm Bá Cậy bị tên trộm chó chém vào đầu và tay, phải nhập viện điều trị. Ảnh: Nguyên Khoa |
Trung tá Cao Bá Tuyết, Đội phó hình sự Công an huyện Nghi Lộc cho biết, từ năm 2011 đơn vị đã bắt, xử lý gần 40 vụ trộm chó, rất nhiều thanh niên bị truy tố. Nhưng do giá trị tài sản không lớn nên thủ phạm khi bị xét xử chỉ ngồi tù một thời gian ngắn.
Theo ông Tuyết, tất cả các vụ đánh chết người trộm chó, cơ quan công an đều khởi tố vụ án để điều tra nhưng vì "đánh hội đồng" nên rất khó tìm được hung thủ gây án chính. "Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền cho người dân hiểu đánh người là vi phạm pháp luật nhưng tình hình vẫn chưa có nhiều chuyển biến", trung tá Tuyết nói.
Trước tình trạng trộm chó ngày càng công khai và liều lĩnh, nhiều vùng quê xứ Nghệ "sáng tạo" cách đối phó. Chẳng hạn, người dân xã Nghi Long tự lập rào chắn trong làng để ngăn cẩu tặc; người dân xóm Xuân Phúc (xã Nghi Xuân) vừa nuôi chó vừa huấn luyện không được sủa vì sợ bị cẩu tặc phát hiện; tại huyện ven biển Nghi Xuân (Hà Tĩnh), nhiều tổ dân cư đã tự thành lập đội chống bắt trộm chó...
Nguyên Khoa