Ngày 9/7, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổng kết đánh giá việc thực hiện Thông tư 70/2011/TT-BCA của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự liên quan việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra hình sự.
Theo luật sư Phan Trung Hoài (Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư) hệ thống pháp luật có nhiều quy định về quyền bào chữa nhưng thực tiễn triển khai cho thấy người bào chữa còn gặp nhiều vướng mắc trong các hoạt động tố tụng. Kết quả đánh giá một năm thi hành Thông tư cho thấy 50,5% luật sư được hỏi cho rằng khi chưa có quyết định khởi tố bị can, các cơ quan tiến hành tố tụng không tạo điều kiện cho người bị tạm giữ, bị can trong việc nhờ người bào chữa. Thậm chí 12,5% "thầy cãi" nhận thấy các cơ quan tiến hành tố tụng có động thái ngăn cản.
Nhiều luật sư cho biết khách hàng của họ phần lớn là thân nhân của những người bị tạm giữ mà không phải người bị tạm giữ, bị can vì những người này đang bị cách ly. Có luật sư nói chưa bao giờ tham gia hoạt động bào chữa cho người bị tạm giữ nào vì không được tạo điều kiện trên thực tế.
Tuy nhiên, sau khi có quyết định khởi tố, tình hình đã có nhiều thay đổi. Các luật sư khi được hỏi ý kiến đều nhận thấy các cơ quan tố tụng đã tạo điều kiện vừa phải với họ trong việc tiếp cận quyền bào chữa. Tới giai đoạn hồ sơ vụ án chuyển sang VKS, 90% luật sư đánh giá VKS đã tạo điều kiện thuận lợi hoặc tạo điều kiện vừa phải.
Luật sư Trần Mỹ Thoa (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng thông tư 70 yêu cầu người bào chữa có văn bản đề nghị cơ quan điều tra cho gặp bị can là "thủ tục rất trái khoáy, gây khó khăn". "Điều này cho thấy sự tham gia của luật sư ngày càng hạn chế, chỉ là hình thức". luật sư Thoa bày tỏ.
Luật sư Nguyễn Đình Trung (Đại diện đoàn luật sư tỉnh Phú Thọ) cho biết các vụ án mà ông tham gia đều nhận được câu trả lời của bị can qua trung gian là điều tra viên rằng "không cần mời luật sư". "Bị can bị nhốt trong trại, tại sao cơ quan tố tụng không để cho người thân của họ được trực tiếp vào gặp, hoặc luật sư vào gặp mà tất cả đều qua điều tra viên?", ông Trung thắc mắc.
"Đề nghị Bộ Công an cho phép người bào chữa được cùng tham gia vào việc hỏi bị can về việc họ có mời luật sư hay không, điều này thể hiện tính dân chủ cao cũng như quán triệt thông tư 70", ông Trung nói.
"So sánh giữa án chỉ định và án mời luật sư bào chữa thì án mời luật sư bào chữa bị cơ quan tố tụng gây rất nhiều khó khăn. Với án chỉ định thì cơ quan điều tra rất nhiệt tình", đại diện của Đoàn luật sư tỉnh Kon Tum cho hay.
Theo các luật sư, nếu khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quá trình hành nghề của luật sư ở giai đoạn điều tra và khởi tố sẽ đảm bảo quyền của người bị tạm giữ, giúp nâng cao khả năng tranh tụng, thực hiện tinh thần cải cách tư pháp.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh (Vụ trưởng Pháp chế Bộ Công an) ghi nhận những đóng góp của các luật sư và cho biết sẽ báo cáo với Bộ để có sự điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.
N. Anh