Sau khi bị TAND TP Vũng Tàu tuyên buộc phải trả lại 1,35 tỷ đồng nhận thưởng "nhầm" tờ vé số trúng giải độc đắc, ông Bùi cho biết, rất buồn và lo lắng. Từ ngày vướng vào vụ kiện cả gia đình đều rất mệt mỏi. Sức khỏe của ông cũng bị giảm sút.
Nhớ lại thời điểm phát hiện tờ vé số mình mua trúng giải độc đắc hai năm trước, ông bảo cả gia đình rất mừng và cùng tham gia dò từng số rất kỹ lưỡng nên không thể có chuyện nhầm lẫn. Chủ tiệm vàng cũng có ít nhất ba người cùng tham gia dò trong quá trình đổi tờ vé số, cùng với người của đại lý vé số Kế Đáo kiểm tra.
"Điều tôi thắc mắc là giao dịch đổi tờ vé số giữa tôi và tiệm vàng xảy ra vào khoảng 10h ngày 22/12/2014, nhưng đến 15h chiều thì ông Bình và nhân viên tên Thắng mới đến báo là vé số trật. Qua điện thoại của ông Bình, người được giao nhiệm vụ đi đổi vé số tên Nhơn hỏi ông ấy 'vé chỉ trúng giải 6 triệu đồng, có đổi không?'. Lúc đó, ông Bình nói là không đổi gì hết, mang về đây. Còn nếu nhầm hai số 79 và 97 thì không hề có giải nào”, ông Bùi thắc mắc.
Cụ ông cho biết, gia đình trước đây có hùn vốn làm ăn nhưng bị thua lỗ nên nợ nần. Sau khi trúng số, ông đã dùng phân nửa số tiền để trả nợ. Số còn lại ông dùng chữa bệnh suy tim từ gần 20 năm nay. Con cái ông người chạy xe ôm, người đi phụ hồ, khi có tiền đổi thưởng, ông đã chia cho các con mỗi đứa mỗi ít nên giờ không còn đồng nào.
"Nếu kháng cáo không thành, tôi không biết lấy tiền đâu ra để trả. Hiện số tiền đóng án phí 56 triệu tôi cũng chưa xoay sở được để trả cho tòa. Vợ chồng tôi đã già nên sống nhờ vào con cái, chứ làm gì có tiền. Nếu có phải đi tù tôi cũng đành chấp nhận vậy", ông Bùi bày tỏ lo lắng sẽ bị xử lý hình sự nếu không có tiền thi hành án.
Theo ông Tạ Đức Ngăn - Chi cục trưởng Thi hành án quận 2 (TP HCM) - sau khi bản án có hiệu lực, người được thi hành án sẽ có đơn yêu cầu cơ quan thi hành án, thi hành phán quyết của tòa đối với bên thua kiện.
Khi đó, cơ quan thi hành án sẽ tiến hành kê biên, tịch thu tài sản của người thua kiện để đảm bảo cho việc thi hành án. "Việc thi hành án chỉ có thể thực hiện được khi người bị thi hành có tài sản. Còn trong trường hợp này, nếu ông Bùi không còn tài sản thì rất khó để thi hành", ông Ngăn nói.
Theo ông Ngăn, trong trường hợp ông Bùi có tài sản nhưng cố tình không thi hành thì tùy theo tính chất vụ việc có thể xem xét xử lý hình sự. "Trong một số vụ việc chúng tôi cũng đã xử lý hình sự người không thi hành án về các hành vi Chống người thi hành công vụ hoặc Không chấp hành bản án", ông Ngăn cho biết thêm.
Cùng quan điểm, luật sư Lưu Văn Tám, Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, những tài sản bị kê biên, tịch thu phải là do ông Bùi đứng tên. Còn nếu những tài sản đó đã thuộc quyền sở hữu của con cái ông Bùi thì không có cơ sở để thu hồi. Người được thi hành án phải cung cấp được các chứng cứ cho cơ quan thi hành án về những tài sản mà ông Bùi có, còn không cơ quan thi hành án phải trả lại đơn yêu cầu vì không thể thi hành.
"Trong trường hợp ông Bùi có những tài sản phát sinh trong tương lai mà bên được thi hành án có chứng cứ cũng có thể yêu cầu cơ quan thi hành án tiếp tục thi hành bản án. Tuy nhiên, tiền đã giao cho người ta và giờ họ sử dụng hết thì cũng rất khó để thi hành", luật sư Tám chia sẻ.
Xuân Thắng - Bình Nguyên