Ông Tường bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (Điều 242 Bộ luật hình sự) và Xâm phạm thi thể (Điều 246 Bộ luật hình sự). Mức phạt cao nhất cho 2 tội danh này là 20 năm tù, thấp nhất 8 năm.
Bảo vệ của trung tâm Cát Tường là Đào Quang Khánh (17 tuổi) bị khởi tố về hành vi xâm phạm thi thể. Các quyết định tố tụng trên đã được VKSND cùng cấp phê chuẩn.
Ngày 22/10, thời điểm công bố việc bắt Tường và Khánh về hành vi giết người, đại diện Công an Hà Nội cho hay trước mắt đã khởi tố vụ án về hành vi này, trong quá trình điều tra xác định hành vi của các nghi can đến đâu sẽ điều chỉnh các quyết định khởi tố đến đó.
Một luật sư đánh giá trước mắt việc khởi tố nghi phạm về hai tội trên là "hợp lý" và "không còn lựa chọn nào khác".
Theo ông, dư luận đang lên án, phẫn nộ về hành vi của ông Tường nhưng về mặt pháp lý việc xử lý vụ án phải căn cứ chứng cứ thu thập được. "Nếu khởi tố tội giết người phải xác định khi bị ném xuống sông chị Huyền còn sống", vị luật sư cho hay.
Theo điều tra, sáng 19/10, chị Huyền đến Thẩm mỹ viện Cát Tường do ông Tường làm chủ tại 45 đường Giải Phóng hút mỡ bụng, nâng ngực; đặt trước 50 triệu đồng. Ông Tường trực tiếp làm phẫu thuật trong 4 tiếng. Sau đó, chị Huyền 2 lần rơi vào trạng thái sùi bọt mép, cơ thể tím tái, co giật... và tử vong. 23h cùng ngày, ông Tường cùng Khánh (17 tuổi) đưa xác chị Huyền ra ôtô chở đến cầu Thanh Trì, vứt xuống sông Hồng. Chiếc xe máy của nạn nhân, Khánh bỏ lại ven đường cùng cả chìa khóa, túi xách, điện thoại.
Đến hôm nay, sau hơn 10 ngày xác minh, cơ quan điều tra chưa tìm thấy xác nạn nhân Huyền. Giám đốc Công an Hà Nội, thiếu tướng Nguyễn Đức Chung chỉ đạo "phải tìm bằng được". Ông đánh giá đủ cơ sở tin rằng chị Huyền đã bị ném xuống sông theo lời khai của nghi can.
Ông Tường là bác sĩ Khoa ngoại Bệnh viện Bạch Mai, mở Thẩm mỹ viện Cát Tường khoảng 6 tháng song chưa được cấp phép thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ.
Điều 242. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác 1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. 3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ bảy năm đến mười lăm năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Điều 246. Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt 1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. |
Việt Dũng