Ngày 1/2, chị Uyên - chủ chiếc Land Rover bị thiêu rụi khi gara trên đường Cống Quỳnh (quận 1) cháy hai hôm trước - cho biết, xe của chị xì khói nên phải nhờ người cẩu đến gara sửa chữa. Là chỗ quen biết, đã làm việc nhiều năm nay, chị tin tưởng giao xe cùng toàn bộ giấy tờ cho phía gara mà không lấy biên nhận. Sau khi kiểm tra tình trạng ôtô, người của gara đều gửi mail báo giá phụ tùng thay thế hoặc chi phí sửa chữa cho chị.
"Vì có ý định bán xe nên một ngày trước khi xảy ra hỏa hoạn tôi đến chụp lại cà-vẹt và sổ đăng kiểm để đưa cho khách. Hôm đó cậu nhân viên gara bảo sáng hôm sau linh kiện về sẽ thay cho tôi, chỉ hơn một tiếng sau là có thể lấy xe. Tôi chưa kịp đến lấy thì xảy ra chuyện", chị Uyên nói.
Sau sự cố, phía gara đã làm việc với chủ nhân những chiếc Bentley, Mercedes, Lexus, BMW, Porsche... bị cháy. Trong đó, chị Uyên được thông báo công ty bảo hiểm của gara sẽ chi trả 75% giá trị, còn lại gara sẽ bỏ tiền túi bồi thường.
"Vì là chỗ quen biết và tai nạn là không ai mong muốn nên chúng tôi cũng không gây áp lực gì cho họ", chị này chia sẻ.
Theo Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP HCM), về phần chủ gara ôtô, đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện bắt buộc nên phải mua bảo hiểm cháy nổ. Do đó, khi xảy ra cháy nổ và xác định được nguyên nhân là do khách quan thì công ty bảo hiểm của gara phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, chi trả ở mức độ nào còn phụ thuộc vào mức bảo hiểm phía gara mua hàng năm. Nếu mức bảo hiểm mua lớn thì gara sẽ được hưởng mức cao theo tỷ lệ đã cam kết trong hợp đồng, và ngược lại.
"Theo pháp luật, khi chủ ôtô đưa xe vào gara để sửa chữa, bảo dưỡng... thì quyền tài sản đã tạm thời chuyển giao cho chủ gara. Do đó, trong trường hợp khách hàng không mua bảo hiểm cháy nổ thì chủ gara phải có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với tài sản của khách hàng", ông Trạch nói.
Trong trường hợp khách hàng mua bảo hiểm cháy nổ thì công ty bảo hiểm sẽ chi trả cho chủ xe trước. Sau đó công ty bảo hiểm của chủ xe sẽ làm việc với công ty bảo hiểm của gara để yêu cầu chịu trách nhiệm với số tiền đã bồi thường.
"Đối với những loại bảo hiểm tai nạn thông thường, khi xảy ra cháy nổ như trong trường hợp này, chủ xe không được bảo hiểm chi trả. Bảo hiểm cháy nổ hay bảo hiểm thủy kích là một gói bảo hiểm khác nhưng nhiều người vẫn lầm tưởng", luật sư Trạch lưu ý. Dẫn chứng về việc này, ông đưa ra trường hợp các ôtô bị hư hại trong hầm chung cư ở Hà Nội trước đây không được các công ty bảo hiểm chi trả bởi nguyên nhân do chủ quan - chủ dự án buộc phải biết trước và có giải pháp. Từ sau sự kiện này, các công ty bảo hiểm đã ra một gói hợp đồng khác gọi là bảo hiểm thủy kích.
Cùng quan điểm, chuyên viên một công ty bảo hiểm ở TP HCM cho biết, trong mọi trường hợp dù khách hàng có mua bảo hiểm cho xe hay không đều được bồi thường. Nếu có bảo hiểm thì công ty sẽ trả cho chủ xe trước rồi làm việc với bảo hiểm của gara. Nếu không mua bảo hiểm thì chủ gara phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại.
"Tuy nhiên, việc giải quyết bồi thường trong trường hợp này mất khá nhiều thời gian do phải đợi kết quả làm việc của cơ quan chức năng. Phải có biên bản giám định, khám nghiệm hiện trường, định giá tài sản và nhiều thủ tục khác", chuyên viên này thông tin.
Trưa 30/1, lửa bùng phát từ khu vực sửa xe của gara ôtô ở trung tâm Sài Gòn thiêu rụi 8 ôtô, gồm: 2 Bentley, 2 Mercedes, một Lexus, BMW, Porsche, Land Rover. Ngoài ra, nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại sửa chữa ôtô bị hư hỏng nặng. Lửa cũng lan sang một phần cửa hàng điện thoại di động làm hư hỏng nhiều tài sản. Ước tính thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng. Nguyên nhân được cho là do nhân viên gara đã bất cẩn, để xảy ra chập điện trong quá trình sửa xe.
Vụ việc đang được điều tra.
Hải Duyên