Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013, đại diện Chính phủ, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho hay, 8 tháng đầu năm đã đạt được một số kết quả tích cực như: việc xử lý sau thanh tra và kiểm toán có hiệu quả hơn, hoạt động điều tra, xử lý hành vi tham nhũng có nhiều tiến bộ, số vụ án tham nhũng được khởi tố, truy tố tăng lên.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận, tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh gây phiền hà ở một bộ phận cán bộ công chức, viên chức, gây bức xúc trong dư luận xã hội và người dân. Tham nhũng, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn và tài sản tại một số doanh nghiệp Nhà nước đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây bất bình trong xã hội. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng chưa rõ ràng trong xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng và hành vi trực tiếp tham nhũng.
“Đặc biệt, rất ít người dân tham gia tố cáo tham nhũng. Tình trạng này có nguyên nhân từ việc giải quyết đơn thư còn để kéo dài, và nhất là người dân có tâm lý sợ bị trả thù nên rất ngại tố cáo tham nhũng”, báo cáo nêu.
Chính phủ cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế đó là việc tự kiểm tra phát hiện tham nhũng còn yếu; chủ yếu qua dư luận xã hội, báo chí phản ánh hoặc khi có sự vào cuộc của cơ quan chức năng. Việc xử lý hành vi tham nhũng trong một số trường hợp còn chưa nghiêm.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, 8 tháng đầu năm đã có 36 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó, có 4 người đã bị xử lý hình sự (ở Bắc Giang và Bắc Ninh). Các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành trên 4.700 cuộc kiểm tra và đã xử lý hàng trăm cán bộ viên chức, trả lại quà tặng đúng quy định cho cơ quan, tổ chức với tổng giá trị 178 triệu đồng.
Về kết quả phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, Chính phủ cho hay, toàn ngành thanh tra phát hiện 73 vụ và 80 đối tượng tham nhũng. Nhiều cơ quan tập trung phát hiện và xử lý tham nhũng điển hình như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (phát hiện 21 vụ việc, xử lý 30 cán bộ).
Trong các kiến nghị để hoàn thiện về mặt thể chế, ngoài kiến nghị Quốc hội sửa đổi Bộ luật hình sự và các văn bản liên quan theo hướng làm rõ hành vi phạm tội tham nhũng, chức vụ bảo đảm sự thống nhất giữa Luật Phòng chống tham nhũng và Bộ luật hình sự, Chính phủ cũng đề nghị TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao hướng dẫn thống nhất việc áp dụng pháp luật hình sự đối với tội phạm tham nhũng, chức vụ theo hướng xử lý nghiêm khắc, hạn chế áp dụng án treo đối với các trường hợp tham nhũng.
Báo cáo này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào ngày 18/9 tới.
Nguyễn Hưng