Chiều 8/8, TAND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) tiếp tục thẩm vấn bốn cựu cán bộ Phòng Tài nguyên môi trường huyện Mỹ Đức liên quan việc cấp sổ đỏ trái phép cho những lô đất tại Đồng Tâm. Bốn người gồm: Phạm Hữu Sách (nguyên trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Mỹ Đức), Đinh Văn Dũng (nguyên phó phòng Tài nguyên và môi trường huyện kiêm Giám đốc văn phòng đăng ký đất đai), Bạch Văn Đông (nguyên Phó giám đốc văn phòng đăng ký đất đai), Trần Trung Tấn (nguyên cán bộ hợp đồng).
Theo cáo buộc, năm 2011-2013, dù biết hồ sơ xin cấp sổ đỏ của 12 hộ dân xã Đồng Tâm (thực tế là người nhà của các lãnh đạo xã) không đủ điều kiện cấp sổ đỏ do có nguồn gốc từ việc mua bán trái thẩm quyền, giao sai đối tượng, lấn chiếm nhưng cán bộ huyện vẫn xác nhận.
Phó phòng Dũng bị quy kết ký xác nhận tám hồ sơ với tổng diện tích hơn 1.200 m2, gây thiệt hại gần 660 triệu đồng; Trần Trung Tấn ký xác nhận 9 hồ sơ, gây thiệt hại hơn một tỷ đồng; Bạch Văn Đông ký xác nhận bốn hồ sơ, gây thiệt hại gần 600 triệu đồng.
Trưởng phòng tài nguyên Phạm Hữu Sách bị cáo buộc không kiểm tra, đôn đốc, không thẩm định lại hồ sơ, vẫn ký tờ trình để UBND huyện ra quyết định cấp sổ đỏ. Việc 12 hộ dân được cấp sổ đỏ trái quy định đã gây thiệt hại cho nhà nước hơn 1,2 tỷ đồng.

Bị cáo Trần Trung Tấn. Ảnh: Phạm Dự
Cán bộ huyện đổ tội cho lãnh đạo xã Đồng Tâm
Khi được xét hỏi, cả bốn cựu cán bộ phòng tài nguyên huyện Mỹ Đức đều cho rằng sai phạm của mình là do cấp xã cố tình làm sai lệch hồ sơ.
Cựu cán bộ phòng đăng ký đất đai huyện Trần Trung Tấn thừa nhận cáo trạng truy tố mình "đúng tội song chưa thoả đáng". Theo bị cáo này, giai đoạn 2010-2013, ông là nhân viên hợp đồng văn phòng đăng ký đất đai với nhiệm vụ chỉnh lý biến động, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do sai sót. Có những lúc, ông được giao việc cấp mới.
Ông Tấn khai vì là cán bộ hợp đồng nên không được phân công địa bàn cụ thể. Năm 2011-2013 do cán bộ chính thức đi học, thiếu người nên lãnh đạo giao cho ông việc kiểm tra, đối chiếu hồ sơ. Thẩm định 9 hồ sơ của xã Đồng Tâm, ông Tấn "không đi thực địa" vì cho rằng không cần thiết và cũng không có quy định này.
Khi chủ toạ phiên toà hỏi nhận thức thế nào về sai phạm của mình, ông Tấn khẳng định “đã hoàn thành chỉ tiêu được giao” bởi nếu không sẽ bị kỷ luật. Trong khi cáo trạng xác định 9 sổ đỏ bị cấp sai quy định thì ông Tấn nói "hồ sơ xin cấp quyền sử dụng đất do xã Đồng Tâm gửi lên đều đủ điều kiện xác nhận đất sử dụng trước tháng 10/1993".

Bị cáo Phạm Hữu Sách. Ảnh: Phạm Dự
Lần lượt ba cán bộ cấp trên của Tấn là Đinh Văn Dũng, Bạch Văn Đông và Phạm Văn Sách cũng đều cho rằng cáo trạng truy tố không sai tội song "chưa thấu đáo".
Nguyên phó phòng Tài nguyên và môi trường huyện kiêm Giám đốc văn phòng đăng ký đất đai Dũng khai trong những năm 2011-2013 đã cấp trên 22.000 giấy sử dụng đất. Vì cấp xã kê khai, xét duyệt không đúng nên ông mới ký sai quy định với 8 trường hợp ở Đồng Tâm. “Xét về mặt thủ tục chúng tôi không sai", ông Dũng thanh minh và cho hay do tin cán bộ xã nên “không phát hiện được sai phạm”.
Chủ toạ phiên toà hỏi: “Vậy có oan sai không?”. Ông Dũng trầm ngâm giây lát rồi thấp giọng nói: “Thiếu trách nhiệm là tôi nhận, song chưa gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị cáo Phạm Hữu Sách khai “đã thẩm định nhưng không phát hiện sai phạm chứ không phải nhắm mắt cấp sổ”.
Cấp sổ đỏ "theo cảm tính"
Liên quan việc cấp sổ đỏ sai nói trên, cũng trong phần thẩm vấn chiều 8/8, bị cáo Nguyễn Xuân Trường - nguyên cán bộ địa chính xã Đồng Tâm - thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố.
HĐXX hỏi: “Cả chín cán bộ đều khai ông là đầu nguồn của mọi sai phạm có đúng không?”. Bị cáo cúi đầu, giọng run run “đúng”.
Ông Trường khai do nể nang đã giúp nhiều hộ dân lập hồ sơ gian dối để được cấp sổ đỏ. 10 suất đất giãn dân mà các lãnh đạo xã Đồng Tâm tự bán cho nhau vào năm 2008, dù chưa ai vào ở nhưng ông Trường vẫn ghi khống trong hồ sơ rằng "đã được sử dụng trước năm 1993" để việc cấp sổ đỏ được thuận lợi.
Nhiều người khai việc làm sổ đỏ với ông Trường rất đơn giản, như trường hợp của ông Nguyễn Văn Bột, nguyên chủ tịch xã. Sau khi đăng ký mua đất, ông Bột chỉ việc đưa hộ khẩu, chứng minh thư cho ông Trường. “Bẵng đi một thời gian, ông Trường đưa cho tôi sổ đỏ”, ông Bột khai.
Thậm chí có hộ dân xin cấp quyền sử dụng đất trên đất lấn chiếm, ông Trường cũng đạo diễn hồ sơ “trơn tru”.

Bị cáo Nguyễn Xuân Trường. Ảnh: Phạm Dự
Bị cáo nói rằng 14 năm đi bộ đội về, trúng cử vào HĐND địa phương và làm cán hộ địa chính suốt 20 năm. "Bị cáo mới học hết lớp 7, năng lực không có nên chuyên môn bị ảnh hưởng, làm theo cảm tính để một số cán bộ bị ảnh hưởng", ông Trường trình bày.
Phần thẩm vấn kéo dài tới hơn 18h. Sáng mai, phiên xử sẽ tiếp tục bước sang phần tranh tụng.
Sáng 8/8, TAND huyện Mỹ Đức xét xử 14 cựu cán bộ huyện Mỹ Đức, xã Đồng Tâm trong vụ án cố ý làm trái quy định, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi quản lý đất đai. Phiên xử do ông Vũ Đức Hiệp (Phó chánh án) làm chủ tọa, dự kiến diễn ra ngày 8-9/8. 14 bị cáo hầu tòa gồm: Nguyễn Tiến Triển (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm năm 1995-2010), Nguyễn Văn Bột (nguyên chủ tịch xã năm 1996-2002), Nguyễn Văn Sơn (nguyên chủ tịch xã năm 2002-2010), Lê Đình Thuần (nguyên chủ tịch xã năm 2010-2014), Nguyễn Xuân Trường (cán bộ địa chính xã năm 1995-2015), Nguyễn Văn Minh (nguyên trưởng công an xã), Lê Văn Đức (nguyên phó bí thư Đảng ủy xã), Bùi Văn Dũng (nguyên trưởng ban tài chính xã), Bùi Văn Hồng (nguyên xã đội trưởng), Nguyễn Văn Khang (nguyên kế toán). Phạm Hữu Sách (nguyên trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Mỹ Đức), Đinh Văn Dũng (nguyên phó phòng Tài nguyên và môi trường huyện kiêm Giám đốc văn phòng đăng ký đất đai), Bạch Văn Đông (nguyên Phó Giám đốc văn phòng đăng ký đất đai), Trần Trung Tấn (cán bộ hợp đồng văn phòng đăng ký đất đai). |