Trong căn nhà nhỏ trên phố Lương Định Của (phường Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội), dịch giả Phan Quốc Bảo cần mẫn ngồi dịch một cuốn tiểu thuyết tiếng Trung sang tiếng Việt. Ít người biết được ông là một trong những “khắc tinh” của tội phạm nói tiếng Hoa ở Hà Nội.
Một trong số những vụ án mà ông Bảo nhớ nhất là vụ cùng các trinh sát hình sự vạch mặt nghi can Dương Phát Khánh và Chung Thiết Lâm chuyên nghề mua bán cổ vật để lừa đảo.
Theo hồ sơ, khoảng tháng 10/2011, một luật sư bất ngờ nhận được điện thoại của một người đàn ông không quen, cho biết là công nhân xây dựng người Trung Quốc đang làm việc tại một nhà máy ở Hưng Yên. Trong quá trình đổ móng công trình tại đây, anh ta cùng hai người bạn phát hiện chiếc chum sành đựng hàng chục thỏi vàng hình thuyền và tượng Phật Di Lặc bằng vàng. Người đàn ông nói, do không hiểu pháp luật Việt Nam nên muốn được luật sư tư vấn.
Sáng hôm sau, hai người đàn ông Trung Quốc tới văn phòng luật sư mang theo 10 thỏi vàng hình thuyền và 3 bức tượng Phật Di Lặc màu vàng. Sau khi cắt một mẩu vàng để nhân viên của văn phòng đi thử và được nhận xác nhận là vàng thật, họ gạ bán toàn bộ số vàng trên với giá 80 vạn nhân dân tệ NDT (tương đương hơn 2,5 tỷ đồng).
Chiều 20/10/2011, trong lúc chuẩn bị giao tiền, luật sư phát hiện một trong số hàng chục thỏi vàng có vết trầy xước để lộ ra bên trong ánh bạc. Nghi ngờ, anh bí mật báo cảnh sát. Khi hai bên giao dịch, công an bắt quả tang hành vi lừa đảo của hai người ngoại quốc. Người thứ ba đi cùng ngày hôm đó đã kịp bỏ trốn.
Khi hai nghi can Zhong Tielin (tức Chung Thiết Lâm) và Yang Faqing (tức Dương Phát Khánh), đều trú tại tỉnh Giang Tây, Trung Quốc được đưa về Phòng Cảnh sát hình sự, ông Phan Quốc Bảo được mời tới làm phiên dịch.
Ban đầu, hai người này tỏ thái độ bất hợp tác với điều tra viên. Khi gặp ông Bảo, họ thề thốt rằng làm ăn... không hề lừa đảo ai, chỉ đơn giản là đang đi bán đồ cổ. Khi giao dịch với bị hại, họ không khẳng định là vàng thật hay vàng giả, mà chỉ là đi bán vàng. Tuy nhiên, qua việc ông Bảo giúp chuyển ngữ những câu hỏi cung sắc bén, lý lẽ của hai người nước ngoài đã bị các điều tra viên "bẻ gãy".
Không những phải thừa nhận đang tiến hành lừa đảo với vị luật sư, họ còn khai thêm về vụ lừa đảo chiếm đoạt 2 tỷ đồng một Hoa kiều đang sống tại Đà Nẵng và phi vụ lừa bất thành sư trụ trì chùa một ngôi chùa ở Hà Nội. Với hành vi đó, Zhong Tielin và Yang Faqing đã bị TAND Hà Nội tuyên phạt lần lượt 18 và 17 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ông Bảo là cử nhân Trung văn của Trường đại học Sư phạm I Hà Nội. Ra trường, ông đã có hàng chục năm làm phiên dịch viên cho Bộ Quốc phòng. Khi nghỉ hưu, ông tham gia biên dịch nhiều cuốn sách tiếng Trung và rất nhiều bộ phim của Trung Quốc chiếu trên truyền hình. Dù đã hơn 70 tuổi, ông vẫn rất minh mẫn, tinh anh. Mấy chục năm làm phiên dịch, ông Bảo nắm rất chắc các kiến thức về địa lý, lịch sử cũng như văn hóa, xã hội của Trung Hoa. Ông cũng có thể phân biệt được nhiều thứ ngôn ngữ vùng miền của nước bạn. Ngoài ra, ông Bảo còn có linh cảm của “nghề điều tra”, có thể phát hiện những gian dối trong lời khai của nghi can. Chính những điều này đã khiến ông trở thành cộng sự đắc lực cho cơ quan điều tra.
Một lần khác, Công an Hà Nội bắt được hai người Malaysia đang sử dụng thẻ tín dụng giả để mua hàng hóa trên phố Thái Hà. Một phiên dịch trẻ được mời tới. Nhưng trong suốt hai ngày trời, cơ quan công an hầu như không khai thác được gì nhiều ở họ. Do có kinh nghiệm “đấu tranh” với nhóm tội phạm nói tiếng Hoa, ông Bảo lại được cơ quan điều tra tin tưởng cậy nhờ. Sau khi nắm được câu chuyện, biết được hai nghi can này đang làm thuê cho một “ông chủ” người nước ngoài, ông Bảo đã dùng chiến thuật đánh vào tâm tư, tình cảm.
Bằng ngôn ngữ uyển chuyển, ông Bảo giải thích cho họ biết về pháp luật của Việt Nam, rằng hình phạt rất nghiêm khắc, song cũng luôn mở lượng khoan hồng với những người biết ăn năn hối cải... Chỉ sau một giờ đồng hồ, một trong hai người Malaysia đã gục trên bàn hỏi cung, khóc nức nở. Và sau đó cả hai khai toàn bộ hành vi làm giả thẻ tín dụng để chiếm đoạt tài sản.
Trong cuộc đấu tranh với nhóm tội phạm người nước ngoài, lực lượng điều tra hình sự Công an TP Hà Nội rất may mắn có được sự cộng tác giúp đỡ của nhiều người dân, đặc biệt là những phiên dịch viên. Có thể đến trong số này như cô Nguyễn Thị Tuyết (phiên dịch tiếng Anh), cô Phạm Thị Ngọc (phiên dịch tiếng Trung) và một nữ giảng viên khoa tiếng Trung của một trường đại học tại Hà Nội.
Cuối năm 2010, công an Hà Nội phát hiện một nhóm người Trung Quốc chuyên đột nhập vào các cơ quan, công sở ở Hà Nội và một số vùng lân cận để trộm két sắt. Tổng số tiền trộm cắp lên tới nhiều tỷ đồng. Khi bắt được một nghi can, nữ giảng viên Ngọc được mời tới cơ quan công an để giúp đỡ lực lượng điều tra tiếp tục làm rõ.
Ban đầu, khi các điều tra viên lấy khẩu cung, nghi can kiên quyết im lặng, không hé răng nói nửa lời. Sau khi trao đổi với lãnh đạo Phòng cảnh sát hình sự, giảng viên này đề nghị được “nói chuyện” riêng với nghi can. Với những câu hỏi rất khéo léo, chị đã lấy được lòng tin của nghi can và được kể cho nghe tất cả phương thức thủ đoạn cùng các đồng phạm trong vụ án.
Các trinh sát đã lần theo lời khai của người này và hốt bắt được cả ổ nhóm gồm 6 tên. Khi các nghi can được đưa về cơ quan điều tra, lập tức được tách ra để lấy lời khai. Mặc dù nhiều phiên dịch viên đã được đưa tới để ngồi cùng với điều tra viên nhưng hầu như cũng chưa khai thác được gì nhiều. Nhờ sự góp mặt của chị Ngọc, mọi việc mới trở nên suôn sẻ hơn.
Cơ quan điều tra xác định nhóm này đã gây ra tổng cộng 11 vụ cướp, trộm. Một số vụ điển hình như vụ đột nhập vào Viện Bảo vệ thực vật ở Từ Liêm lấy cắp hơn 900 triệu đồng; đột nhập vào Trung tâm Y tế Hàng không, phường Bồ Đề lấy 300 triệu đồng…
Theo An ninh thế giới