Thể lệ bỏ phiếu quy định trước 15h hôm nay, các vị đại biểu Quốc hội khoá 13 phải hoàn tất biểu quyết thể hiện chính kiến của mình trước việc Bộ luật Hình sự 2015 được phát hiện có khoảng 90 lỗi kỹ thuật.
Đại biểu Dương Trung Quốc cho biết sau khi xem xét các văn bản đề cập những sai sót trong Bộ luật hình sự 2015 và đề nghị lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật này, ông đã biểu quyết theo hướng đồng ý cần có thời gian để Quốc hội khoá mới sửa sai. Ông trực tiếp bỏ phiếu vào hòm phiếu tại phòng Hoa Đào, toà nhà Quốc hội.
Đại biểu Trần Khắc Tâm nói ông bỏ phiếu biểu quyết tại đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng. Có hai nơi để các đại biểu bỏ phiếu là tại toà nhà Quốc hội và đoàn đại biểu các tỉnh, thành.
Theo các đại biểu, cùng với đề nghị lùi hiệu lực thi hành Bộ luật Hình sự 2015, Uỷ ban thường vụ đã trình lùi hiệu lực thi hành của 3 đạo luật được thông qua năm 2015 gồm: Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam. Các đạo luật này có nhiều điều khoản viện dẫn, liên quan đến quy định của Bộ luật Hình sự mới.
“Các luật được dự kiến lùi thời gian thi hành đến 1/7/2017 với giải thích là để rà soát kỹ, có phương án sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015 cho phù hợp, đồng thời để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong áp dụng pháp luật”, ông Quốc nói.
Trong trường hợp Bộ luật hình sự 2015 được lùi hiệu lực thi hành, Quốc hội cho phép áp dụng trước các quy định của Bộ luật này mà có lợi cho người phạm tội. Theo đó, các quy định được nêu tại khoản 3, điều 7 vẫn được thực hiện từ ngày 1/7/2016.
“Nghĩa là những điều luật xoá bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn... có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng”, đại biểu Trần Ngọc Vinh (thành viên Uỷ ban pháp luật Quốc hội khoá 13) giải thích.
Bộ luật Hình sự có sai sót gì?
Một số đại biểu Quốc hội cho biết qua phản ánh của cử tri và kiến nghị, rà soát của các cơ quan chức năng thì sai sót có ở nhiều điều luật. Tuy không sai về quan điểm, chủ trương lớn nhưng lỗi này ảnh hưởng đến việc áp dụng pháp luật và xử lý tội phạm.
Các sai sót thể hiện ở nhiều dạng, cụ thể như bỏ sót định lượng, trùng định lượng (về giá trị tiền, giá trị thiệt hại về tài sản, định lượng ma túy, khối lượng xả thải ra môi trường…) và do cách quy định không thống nhất về hậu quả, ảnh hưởng đến nội dung, chính sách xử lý hình sự. Một số dạng sai sót khác là có hai cấu thành định tội trong cùng một điều luật, dẫn đến không thống nhất về kỹ thuật lập pháp với các điều luật khác trong cả bộ luật; viện dẫn sai điều, sai kỹ thuật lập pháp.
Trao đổi với VnExpress, luật sư Đinh Văn Quế (nguyên chánh tòa hình sự TAND Tối cao) dẫn ra một số sai sót mà ông đã phát biểu trên nhiều diễn đàn. Ví dụ: Điều 175 (Điều 140 Bộ luật hình sự 1999) quy định về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đã bỏ tình tiết “bỏ trốn để chiếm đoạt” trước đây quy định tại điểm a khoản 1 Điều 140 Bộ luật hình sự. "Vậy kể từ ngày 1/7/2016 trở đi cứ vay mượn, thuê tài sản của người khác rồi bỏ trốn để chiếm đoạt thì không phạm tội sao", ông Quế nêu vấn đề.
Ông Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN, bày tỏ quan tâm đến Điều 292 (tội Cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông) đang gây nhiều tranh cãi và lo lắng với giới khởi nghiệp Việt Nam. Theo ông Hạnh, Quốc hội nên huỷ bỏ điều này vì chủ trương của Nhà nước là khuyến khích khởi nghiệp, hơn nữa đây là lĩnh vực có thể dùng quy định hành chính để điều chỉnh, tránh hình sự hoá.
Nhìn nhận việc Bộ Luật hình sự 2015 có sai sót dẫn đến phải biểu quyết lùi hiệu lực thi hành, ông Dương Trung Quốc cho rằng cần mổ xẻ trách nhiệm ở hai khâu là soạn thảo, thẩm tra và thông qua luật. “Đây là hệ quả của nhiều vấn đề, trong đó có nổi bật là không nên ép tiến độ làm luật và tính chuyên nghiệp của Quốc hội trong các khâu làm luật”, ông Quốc nói.
Trước đó, Quốc hội khoá 13 biểu quyết thông qua Bộ luật hình sự 2015 ngày 27/11/2015 với 84% đại biểu tán thành.
Võ Văn Thành