Đôi tay bị còng, ngồi trên ghế dành cho kẻ mang tội, Nụ len lén quay xuống dưới để tìm bóng dáng người thân sau nhiều tháng xa cách. Nhưng khán phòng vắng tanh chỉ có mẹ đẻ của cô tới nghe tòa xử con gái về tội giết người. Gia đình nhà chồng của Nụ cũng có mặt nhưng giờ giữa cô và họ "hố ngăn cách" không thể lấp đầy. Nụ bật khóc nức nở.
Năm 21 tuổi, Nụ về nhà chồng khi tình yêu với anh Nguyễn Văn Linh (23 tuổi, ở Thạch Thất, Hà Nội) mới chớm nở được một tháng. Chưa kịp hòa nhập với sinh hoạt của nhà chồng, cô đã làm mẹ. Cô gái quê nghèo, bỏ học từ sớm, ít va chạm đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống mới.
Nụ ngồi thụp xuống dưới vành móng ngựa khi tòa vào nghị án... |
Nụ bảo từ khi biết vợ mang thai, chồng cô càng ngày hờ hững chuyện "gần gũi" khiến người đàn bà đang căng tràn sức trẻ cảm thấy bị hụt hẫng. Linh cũng ít quan tâm đến Nụ khiến cuộc sống vợ chồng càng thêm căng thẳng.
Nghi ngờ chồng có mối quan hệ bất chính bên ngoài nên không còn mặn mà với vợ, Nụ nhiều lần dọa làm đơn ly dị nhưng không được chồng chấp nhận.
Rạng sáng 18/11/2009, con trai bị ốm quấy khóc nhưng anh Linh không chăm sóc mà phó mặc cho vợ và mẹ. Cho rằng quan hệ vợ chồng không còn tình yêu, mà "gắn kết" chỉ vì đứa trẻ, Nụ bế con ra giếng. Nụ khai cô đứng đó một hồi lâu, vòng tay ôm con cứ lỏng dần cho tới khi đứa trẻ rơi xuống nước.
Nụ sực tỉnh lao vào giường đánh thức chồng dậy, vờ bảo rằng khi đi vệ sinh vào đã không thấy con đâu. Cả gia đình nháo nhào đi tìm. Đến 6h cùng ngày, xác đứa trẻ được phát hiện ở dưới giếng.
Suốt phiên xử, Nụ lí nhí trả lời thẩm vấn trong nước mắt, thừa nhận mọi tội lỗi. Phía dưới, gia đình chồng Nụ nhìn cô với ánh mắt xa lạ. Chỉ có bà mẹ đẻ ngồi thu mình bên góc phòng, liên tục đưa tay quệt ngang dòng nước mắt.
Mẹ Nụ bảo gia đình bà nghèo, thu nhập chủ yếu từ việc hái chè thuê, mỗi ngày được 10-15 nghìn đồng nên không giúp gì nhiều cho con khi lấy chồng. Nụ là con gái đầu lòng, vốn lầm lì. Sau khi lấy chồng, thỉnh thoảng cô về thăm nhà, mặt lúc nào cũng buồn rười rượi nhưng chẳng bao giờ chia sẻ chuyện gia đình với mẹ.
"Tôi tiếc không biết chuyện của con mà khuyên bảo nó, khiến giờ ra nông nỗi này", bà đưa khăn chấm nước mắt. Giờ nhìn đứa con gái ủ rũ bên vành móng ngựa, đối mặt với hành vi giết người mà nạn nhân chính là đứa con vừa đẻ ra, bà ôm mặt khóc với nỗi ân hận giày vò.
Phía dưới khán phòng, chồng Nụ mặt bình thản, đôi mắt anh ráo hoảnh. Nhìn bị cáo run rẩy trong bộ quần áo cũ tối màu, một hội thẩm nhân dân phân tích, để xảy ra bi kịch này có phần lỗi của người chồng. Dù Nụ có gây ra tội ác tày đình, nhưng Linh nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng cũng nên nhìn nhận trách nhiệm của mình.
Tuy nhiên, người chồng vẫn một mực đề nghị "tòa xử nghiêm, đúng người, đúng tội" với người đàn bà từng đầu gối tay ấp với mình..
.. ở phía dưới mẹ cô ôm mặt khóc. Ảnh: Anh Thư |
Không khí phiên tòa như chùng xuống, vài người dự khán rơm rớm nước mắt khi luật sư của Nụ cho biết, sau khi sinh con cuộc sống của cô quá khổ. Suốt 3 tháng, người đàn bà nuôi con bú này chỉ 4 lần được ăn cơm với thịt. Không chỉ vậy, việc bị chồng bỏ bê khiến Nụ rơi vào cảm giác trống rỗng... dẫn đến bệnh trầm cảm.
Nữ luật sư bảo đã đến bệnh viện, hỏi các chuyên gia tâm lý và có căn cứ về chứng trầm cảm sau khi sinh mà Nụ mắc phải. "Biểu hiện của căn bệnh này là thường nảy sinh những ý nghĩ ám ảnh, liên quan đến bạo lực, xuất hiện ảo giác...", bà nói.
Trong lúc luật sư trình bày, chồng và gia đình Nụ ngồi lặng lẽ. Còn người đàn bà mang tội nước mắt giàn giụa.
Đồng quan điểm với luật sư, cho rằng hoàn cảnh khiến Nụ có biểu hiện của hội chứng trầm cảm sau sinh, TAND Hà Nội chỉ tuyên phạt người mẹ ném con xuống giếng án 12 năm tù, thấp hơn mức hình phạt đề nghị của VKS.
Giữa trưa nắng oi ả, Nụ bị dẫn giải ra khỏi phòng bỏ lại đằng sau tiếng khóc nghẹn của mẹ. Còn Linh không buồn liếc mắt nhìn vợ, anh lạnh lùng tiến về phía luật sư, tranh thủ hỏi thủ tục ly dị.
Anh Thư