Từng có thời gian mặn nồng nhưng chị Hà và anh Trai lần thứ hai đưa nhau ra tòa trong phiên xử ly hôn. Lần này, anh Trai đề nghị cấp phúc thẩm của TAND Hà Nội xem xét cho mình quyền nuôi con gái 4 tuổi từ người vợ cũ.
Có mặt tại tòa giữa tháng 3 vừa qua, chị Hà đến từ sớm, mang theo cả con gái nhỏ. Lúc sau, chồng cũ của chị cũng tới tòa cùng mẹ đẻ.
Trước khi HĐXX vào, anh chị mỗi người ngồi một đầu và bé gái ở giữa hai bố mẹ. Cô bé vô tư cười đùa, thỉnh thoảng chạm vào người mẹ, khi nghịch tay áo của bố. Bé không hề biết việc gia đình mình đã không còn nguyên vẹn. Giờ đây, cả hai người đang cố giành phần nuôi con về mình.
Tài liệu thể hiện, anh Trai vốn ở một huyện ngoại thành Hà Nội, còn chị Hà quê cách anh cả trăm cây số. Tình yêu kết trái gần 5 năm trước với hạnh phúc trọn vẹn khi chị sinh được bé gái kháu khỉnh, hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn.
Ở với bố mẹ được 3 năm, khi con gái cứng cáp, anh chị dọn ra ngoài, thuê một cửa hàng ở phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm) để buôn bán nhỏ. Cuộc sống sau đó phát sinh những mâu thuẫn, chị đưa đơn ly hôn.
Sau nhiều lần hoà giải không thành, chị Hà được TAND huyện Đan Phượng chấp thuận ly hôn cùng với phán quyết giao bé gái 4 tuổi cho mẹ chăm sóc. Anh Trai không đồng tình việc này nên đã kháng cáo, xin được nuôi con dẫn đến phiên phúc thẩm lần này.
Anh cho hay, từ trước đến nay, con gái đều do anh và ông bà nội chăm sóc. Chỉ thời gian thuê trọ, vợ anh mới chăm con chút ít. “Gần một năm nay, sáng nào tôi cũng đưa con đi học, chiều ông bà nội đón về nhà chăm sóc”, anh trình bày để thuyết phục tòa xem xét cho mình nuôi con. Anh còn đưa ra mức thu nhập ổn định từ việc làm ở hai công ty nên đủ điều kiện chăm sóc con gái.
Trước HĐXX, anh tố vợ cũ: “Có bầu bốn tháng cô ta cũng không biết. Cô ấy đến chăm sóc bản thân còn không làm được, như thế trông con kiểu gì”. Vợ đi làm về tắm cho con qua loa, sau đó anh phải vệ sinh lại cho cháu bé. Việc ăn uống của con, vợ không quan tâm nhiều. Ngoài ra, anh cho rằng phòng trọ của chị nhỏ, không đảm bảo việc nuôi con. Tiếp tục đưa ra lý do có quyền nuôi con, anh tố vợ nhắn tin với đồng nghiệp nam ở công ty.
Chị Hà phản bác những lời trên và cho biết trước đây chồng đi làm khoảng 2-3h sáng mới về. Việc đưa đón con đi học, chăm sóc cháu bé đều do một tay chị cả. Chị cũng phủ nhận có người đàn ông khác và cho rằng bản thân “không vượt quá giới hạn” đạo làm vợ. Chị chỉ giao lưu, nói chuyện với đồng nghiệp qua mạng xã hội Facebook. Tuy nhiên, người chồng đã ghen tuông và đánh đập khiến chị có lần phải chạy sang hàng xóm trốn.
Chị cho hay, khoảng tháng 8/2016, khi hạnh phúc rạn nứt, người chồng tự ý mang con về nhà bố mẹ. Nhớ con, chị về thăm nhưng phải xin phép chồng và thường bị ngăn cản. “Anh ấy nói cháu đi vắng nên không ít lần tôi đến thăm rồi ra về không gặp được con”, chị kể.
Trước việc chồng “khoe” kinh tế ổn định, chị Hà trình bày, lương tháng 8 triệu đủ để hai mẹ con sống. Giờ giấc làm hành chính nên chị hoàn toàn đủ điều kiện chăm sóc con. Bé vẫn đi mẫu giáo, xong việc ở công ty, chị đi đón con về.
Nhìn đứa trẻ ngây thơ chơi ở giữa bố mẹ, chủ tọa thở dài, và hỏi cháu có quý bố mẹ không, cô bé trả lời “có”. “Nhìn con bé tí vậy, anh chị phải suy nghĩ thật kỹ để cháu có điều kiện ăn học tốt nhất”, chủ tọa chia sẻ. Nữ chủ tọa còn giải thích với người chồng, bé gái đang tuổi chăm sóc, nên giao cháu cho mẹ là đúng đắn. Dù ai nuôi thì cô bé vẫn là con của anh chị, sau này cháu còn phát triển tâm sinh lý, đến tuổi dậy thì, lúc đó cần có “tư vấn”, chia sẻ từ người mẹ.
Cuối phiên xử, tòa cho rằng, dù người bố có thể chăm sóc nhưng mẹ với nhiều kinh nghiệm sẽ giúp bé gái phát triển tốt hơn, nhất là khi tâm sinh lý thay đổi. Tòa bác đơn kháng cáo của người chồng và tuyên anh có trách nhiệm cấp dưỡng 1,5 triệu đồng nuôi con.
Kết thúc phiên xử, chị Hà cùng con gái vội rời tòa, trong lúc người chồng bực tức buông lời tục tĩu phía sau.
Việt Dũng
* Tên nhân vật đã thay đổi.