Ngày 26/5, TAND Hà Nội tiếp tục phần thẩm vấn Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) và đồng phạm với sự tham gia xét hỏi của các luật sư. Về cáo buộc lợi dụng việc chuyển nhượng cổ phần của Công ty ACBI với Công ty Thép Hoà Phát để chiếm đoạt 264 tỷ đồng, như các lần thẩm vấn trước, bị cáo Kiên tiếp tục khẳng định ban đầu không đồng ý song vì mối quan hệ thân tình với chủ tịch tập đoàn Hoà Phát Trần Đình Long mới chấp nhận. Cho đến khi bị bắt, bị cáo đã thực hiện chuyển đổi theo đúng thoả thuận và không có hành vi gian dối nào trong việc chuyển nhượng.
Về việc Giám đốc và Kế toán trưởng của ACBI cùng bị quy kết lừa đảo trong phi vụ này, bị cáo Kiên với tư cách chủ tịch HĐQT ACBI đã nhận hết tội về mình. "Tôi trực tiếp chịu trách nhiệm, anh Thanh và chị Yến không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào”, Bầu Kiên nói.
Có mặt tại tòa, đại diện Công ty Thép Hoà Phát cũng cho rằng có sơ suất khi hai bên ký hợp đồng. Vị này trình bày không thể trả lời được việc Bầu Kiên có ý định lừa đảo 264 tỷ đồng hay không từ hợp đồng chuyển nhượng cổ phiếu này.
Tiếp tục trả lời luật sư về hành vi trốn thuế, Bầu Kiên cho rằng bản giám định của cơ quan thuế dùng làm căn cứ buộc tội là không đúng. Theo bị cáo, việc giám định thuế thu nhập phải trên tất cả các hợp đồng của công ty trong năm đó và phải căn cứ quy định thời điểm xảy ra. Công ty B&B, tại thời điểm đó, theo quy định pháp luật được miễn giảm thuế. “Chỉ căn cứ 5 tài liệu mà cơ quan điều tra cung cấp cho cơ quan giám định Bộ Tài chính là không đủ”, Bầu Kiên nói và cho rằng với trí nhớ tốt của mình đã phát hiện hai tài liệu quan trọng không được đưa vào hồ sơ, theo nội dung đó tiền lỗ của B&B vào ngày 31/12/2010 là 268 tỷ đồng.
"Đây là những tài liệu, theo bị cáo, thể hiện đúng bản chất của công ty nếu thiếu thì sai bản chất sự việc", ông Kiên nói. Theo lập luận của bị cáo này, Công ty B&B do bị lỗ 168 tỷ đồng nên không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Về vấn đề trên, đại diện Giám định viên Bộ Tài chính Nguyễn Quang Hưng cũng cho rằng, căn cứ 5 hồ sơ do cơ quan điều tra cung cấp không thể xác định chính xác số thuế thu nhập doanh nghiệp của một doanh nghiệp. Trong trường hợp nếu các hoạt động kinh doanh khác kê khai thuế đầy đủ thì vẫn có thể tính riêng thuế và cộng vào số thuế của hoạt động kinh doanh thuế đầy đủ.
Còn bà Đặng Ngọc Lan, vợ bị cáo Kiên cũng là giám đốc Công ty B&B cho biết thời gian đó chưa nắm được tình hình cụ thể nên muốn uỷ quyền cho người khác tại công ty trả lời. Toà bác bỏ đề nghị này và bà Lan đã xin trả lời trong phần thẩm vấn chiều nay.
Cũng trong phần trả lời thẩm vấn của các luật sư, bị cáo Kiên cho biết "không rõ vì sao bị bắt". Theo trình bày, vai trò của bị cáo tại ACB cần phải được phân biệt tại 2 thời kỳ. Từ năm 1993 đến 2008, bị cáo là Phó chủ tịch HĐQT tại đây và sẽ chịu trách nhiệm với phần việc của mình. Từ năm 2008 trở đi, do giữ vị trí khác nên ông không chịu trách nhiệm gì. “Tôi không được quyền và trên thực tế không chỉ đạo ai, bất kỳ thành viên nào trong Hội đồng thường trực ACB”, bị cáo Kiên nói.
Đại diện Ngân hàng ACB tại toà cho biết không có thiệt hại như cáo trạng truy tố, vì thế "không có yêu cầu gì về việc thiệt hại đối với Bầu Kiên và các thành viên Hội đồng thường trực ngân hàng ACB”.
Theo cáo buộc với việc uỷ thác cho các cá nhân gửi tiền, ngoại tệ ở những tổ chức tín dụng cùng chủ trương đầu tư cổ phiếu, những cán bộ lãnh đạo hàng đầu của ACB là Trần Xuân Giá, Lý Xuân Hải, Nguyễn Đức Kiên, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Huỳnh Quang Tuấn đã gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 1.400 tỷ đồng. Họ bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Chiều nay, phiên tỏa đang tiếp tục với phần thẩm vấn các cá nhân bị triệu tập.
Việt Dũng