Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận Bộ Luật tố tụng hình sự (sửa đổi) ngày 17/6, Phó chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ đồng tình với quy định “quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội” trong dự thảo Luật.
Lãnh đạo Ủy ban Tư pháp phân tích, thực tế cho thấy lần đầu bị công an triệu tập nhiều người mất bình tĩnh, hoảng loạn, nhất là người ít hiểu biết về pháp luật, vị thành niên, người dân tộc thiểu số. Có những trường hợp đã tự sát tại nơi lấy lời khai hoặc nơi giam giữ như trường hợp của anh Hoàng Văn Ngài vào năm 2013 tại công an Gia Nghĩa (Đăk Nông) sau 2 ngày bị triệu tập.
“Trong một số vụ việc, cán bộ dùng mọi biện pháp kể cả vũ lực buộc nghi can khai nhận tội mà mình không thực hiện, sau đó hợp thức hóa ngụy tạo chứng cứ khác cho phù hợp với diễn biến lời nhận tội. Đây là nguyên nhân gốc rễ của những vụ án oan chấn động dư luận vừa qua”, đại biểu Nga nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, Viện trưởng VKSND tỉnh Nam Định Vũ Xuân Trường nhận định, quy định như dự thảo thể hiện đầy đủ quyền có thể khai báo hoặc không khai báo và không buộc phải đưa ra những lời khai tự nhận tội thuộc về mình. Tuy nhiên, ông đề nghị Ban soạn thảo trong quá trình thực hiện cần khuyến khích việc nếu bị can, bị cáo khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải thì cũng được xem xét để coi như một tình tiết giảm nhẹ cho họ.
Theo đại biểu Trường, làm như vậy vừa tránh được ép cung, nhục hình, mớm cung, đặc biệt tránh được việc hiểu về quyền im lặng mà một số quan điểm trong thảo luận trước đây cũng đưa ra dễ bị lạm dụng.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho hay đối với Công ước quyền con người thì quyền không khai báo chống lại mình và không nhận tội, không thú tội là quyền tối thiểu của người bị buộc tội. Nhưng những quyền này còn cách xa quyền im lặng của các nước theo luật Anh, Mỹ... “Quyền im lặng của các nước này là im lặng trong toàn bộ quá trình tố tụng hình sự, kể cả khi có luật sư và khi bị xét xử ra tòa và họ không bị quy kết hay bị tăng nặng khi sử dụng các quyền đó. Quyền im lặng là quyền của mọi người, của bất kỳ ai khi bị nghi là có tội hay bị buộc tội”, luật sư Nghĩa lý giải.
Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam Phạm Trường Dân cho hay, về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo quy định trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự là không buộc đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc phải buộc phải nhận mình có tội, thực chất là "quyền im lặng".
Đại tá công an này cho rằng, nội dung này đang có nhiều tranh luận khác nhau. Tuy nhiên, cần quan tâm đến ý kiến lực lượng điều tra, trực tiếp tham gia hoạt động tố tụng, nếu không sẽ ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm.
Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam đề nghị cần cân nhắc, xem xét giữ nguyên quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo như Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành. Nghĩa là quyền của người bị bắt, bị tạm giữ bị can, bị cáo được tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến của mình trong quá trình tham gia tố tụng. Còn trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc chức năng của cơ quan tiến hành tố tụng. Người bị bắt, bị tạm giữ bị can, bị cáo thành khẩn khai báo thì được xem xét là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Ông Dân cho rằng, trong tố tụng hình sự, thái độ im lặng của người bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo luôn được tôn trọng và được thể hiện cụ thể trong nhiều luật liên quan đến quyền nghĩa vụ của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Từ nguyên tắc, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về nhà nước và khi sử dụng mô hình tố tụng thẩm vấn kết hợp với tranh tụng, việc im lặng của người bắt, bị tạm giữ bị can, bị cáo cần phải được tôn trọng nhưng không nên khuyến khích phải im lặng. Vì thế, ông đề nghị không không quy định "quyền im lặng" thành một quyền độc lập trong Bộ luật Tố tụng hình sự.
Võ Hải