Trọn đêm đầu tiên ông Hàn Đức Long (huyện Tân Uyên, Bắc Giang) được trả tự do về nhà, cả đại gia đình rộn ràng niềm vui, chẳng ai muốn ngủ. Dân làng, người thân xa gần mừng rỡ đến chia vui. Sáng nay, ông phải nằm trên giường, vừa đo huyết áp vừa trả lời các câu thăm hỏi.
Ai cũng quan tâm, 11 năm qua ông làm thế nào để kêu oan, làm thế nào để giữ nguyên niềm tin "sẽ có ngày được tự do"? Đôi mắt trũng sâu, vẻ mặt trầm tư dưới mái đầu bạc gần trắng, ông Long bảo 11 năm qua luôn tự động viên mình lạc quan, cố gắng giảm thiểu những suy nghĩ tiêu cực tác động tới bản thân. "Lúc mới bị tạm giam, tôi không có cơ hội để chứng minh mình vô tội. Nhưng sau này tôi luôn chờ mong những phiên tòa để có thể công khai, trực tiếp trình bày”.
Trong 11 năm này, hễ có cơ hội là ông kêu oan, từ trình bày trực tiếp với cán bộ điều tra, cán bộ trại giam, đến viết đơn gửi tới nhiều cơ quan có thẩm quyền. “Cứ nghĩ ai có thể "nghe" thấy tiếng kêu của mình, tôi đều gửi đơn”. Có thời gian ông bị phù thận nặng tưởng không qua khỏi nhưng lúc nào cũng thường trực suy nghĩ thôi thúc: "Phải sống".
Ông Long bảo luôn mong chờ và kỳ vọng nhiều ở các phiên tòa nhưng đó lại là lúc thấy mình yếu đuối nhất. Nhìn thấy vợ con, người thân, ông xúc động ảnh hưởng nhiều tới tâm lý khi trình bày nội dung kêu oan. “Tôi sau đó răn mình rằng không được khóc, phải mạnh mẽ thì mới có sức để sống và chứng minh mình vô tội”, ông Long kể.
Rồi có những phiên tòa, cảm thấy tòa không thể hiểu và không muốn hiểu việc kêu oan của mình, ông rơi vào tâm lý chán chường. Trong lúc không giữ được bình tĩnh, ông đã có hành động quá khích đạp đổ vành móng ngựa tại phiên xử.
11 năm trong tù có đến hơn 9 năm ông mang thân phận tử tù, bị cùm chân và biệt giam. Ngày Tết, chế độ của tử tù đặc biệt hơn những phạm nhân khác, ngoài bánh chưng, giò lụa còn có cả gói quà riêng. “Nhìn bánh chưng mà uất nghẹn, nhưng tôi vẫn động viên phải ăn no để có sức khỏe kêu oan, phải thương vợ con mình đang chịu biết bao tủi nhục", ông Long kể lại.
Còn ở nhà, với niềm tin mãnh liệt rằng chồng vô tội, bà Nguyễn Thị Mai luôn nỗ lực để đi kêu oan, hầu như không đêm nào bà ngon giấc vì đau đáu nỗi buồn. Mỗi ngày ra đường đối mặt bao ánh mắt dè chừng, sự kỳ thị, những câu nói cạnh khóe nhưng bà nhẫn nhịn. “Chỉ đêm đến, khi các con đã ngủ hết tôi mới khóc thầm, thương chồng, thương con mà thấy đời sao cơ cực quá”, bà tâm sự với VnExpress.
Bao nỗi lòng và niềm tin, bà dồn hết vào các lá đơn kêu oan. Cứ hễ tích cóp được tiền làm thuê để làm lộ phí, bà lại bắt xe về Hà Nội gửi đơn. Có lúc gặp người xấu tưởng lành ít dữ nhiều nhưng bà tin được trời thương nên vẫn bình yên.
Bà biết ơn sự động viên, hậu thuẫn của họ hàng hai bên nội ngoại trong hành trình kêu oan 11 năm để có cái kết có hậu như ngày hôm nay. Gia đình anh trai của ông Long phải thế chấp cả sổ đỏ lấy tiền thuê luật sư bào chữa cho em. Khi không đủ tiền, có người cháu ruột còn dùng cả sổ đỏ của bố vợ anh này...
Ngồi bên cạnh ông Long, người chị gái 74 tuổi khóc như mưa bảo: "Có ai khổ như nhà chúng tôi không. Mong sao, cơ quan điều tra sớm bắt được hung thủ gây án để gia đình vơi đi nỗi uất ức".
Luật sư Ngô Ngọc Trai cho biết ông và gia đình đã thống nhất đề nghị cơ quan chức năng phải tổ chức buổi xin lỗi công khai nghiêm túc, thể hiện thành ý của bên gây oan sai. Dựa trên việc bồi thường của ông Nguyễn Thanh Chấn (ở Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), gia đình sẽ tính toán mức tiền cụ thể.
Luật sư Trai cho rằng ông Chấn bị kết án tù chung thân đã khổ, ông Long bị án tử hình còn khổ hơn. "Hơn 11 năm mang thân phận tử tù nên dù có mức bồi thường nào cũng không thể đổi lại những tổn thất về sức khỏe, tinh thần cho ông Long".
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 19h ngày 26/6/2005, một đôi vợ chồng ở thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, Tân Yên, Bắc Giang đi làm đồng về không thấy con gái 5 tuổi ở nhà. Sáng sớm hôm sau, một phụ nữ cùng xã đi làm sớm phát hiện thấy xác bé gái tại mương nước gần bờ ruộng. Nhà chức trách xác định, đứa trẻ bị hiếp dâm rồi dìm chết. Tháng 10/2005, cơ quan điều tra nhận được đơn của hai mẹ con tố cáo cùng bị người cùng thôn là Hàn Đức Long hiếp dâm. Bị triệu tập, Hàn Đức Long thú nhận việc này và khai còn là "thủ phạm hiếp dâm, giết đứa trẻ 5 tuổi nêu trên". Từ năm 2007 đến 2011, qua 4 phiên tòa, ông Long bị TAND tỉnh Bắc Giang và TAND Tối cao tuyên phạm tội Hiếp dâm trẻ em và Giết người, hình phạt chung là tử hình. Suốt thời gian này, ông Long liên tục kêu oan, nói do bị ép buộc nên thời điểm bị triệu tập mới nhận tội. Năm 2014, hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã xét xử giám đốc thẩm lần hai, tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm lần hai và phúc thẩm lần hai đối với bị án Hàn Đức Long để yêu cầu điều tra làm rõ nhiều vấn đề còn mâu thuẫn của vụ án. Giữa năm 2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang trong kết luận điều tra bổ sung vẫn tiếp tục đề nghị truy tố ông Long vì cho rằng đủ căn cứ kết tội. Ngày 20/12, VKSND tỉnh Bắc Giang đánh giá kết quả điều tra lại của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang theo quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, cho thấy chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự với ông Long về các tội danh bị khởi tố. Vì vậy, Viện đình chỉ điều tra vụ án với bị can Hàn Đức Long. VKSND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Công an tỉnh Bắc Giang, UBND xã Phúc Sơn (huyện Tân Uyên, Bắc Giang) phục hồi các quyền, lợi ích hợp pháp cho ông Long theo quy định của pháp luật. |
Bảo Hà