Đối với các cơ quan tình báo Nga, sự xuất hiện của "kẻ lộ mật" Edward Snowden ở Moscow trong những ngày qua giống như một miếng mồi béo bở. Rõ ràng, vận mệnh của Snowden, nhân vật đứng đầu danh sách truy đuổi của nước Mỹ, không vệ sĩ, không sự bảo vệ pháp lý, sở hữu hàng loạt những bí mật động trời của chính phủ quê nhà, đang hoàn toàn nằm trong tay Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nhưng trái với suy đoán của nhiều người, trong một bài phát biểu hôm thứ ba, ông Putin lại khẳng định Nga vẫn đang giữ một khoảng cách nhất định với "người thổi còi", biệt danh mà giới truyền thông quốc tế đặt cho Snowden.
"Lực lượng đặc biệt của chúng tôi chưa từng làm việc với Snowden và sẽ không làm việc đó trong hôm nay", Putin nói.
Vậy là suốt những ngày qua, trong khi Snowden lang thang ở sân bay Sheremetyevo, ngay trong tầm kiểm soát của các điệp viên Nga, thì tất cả những gì họ làm chỉ là quan sát và cố gắng không "làm việc" với anh ta? Nếu đây là sự thật, thì dường như giới tình báo Moscow đã luyện tập thành công khả năng kiềm chế và nhẫn nại.
Nhiều chuyên gia cho rằng, dường như mong muốn lớn nhất của chính phủ Moscow trong thời điểm này là có được những bí mật mà Snowden đang nắm giữ. Theo đó, những chương trình do thám của giới mật vụ Mỹ từng được cựu nhân viên CIA này công bố trước hai tờ báo lớn là Guardian và Washington Post chỉ là món khai vị cho một "bữa tiệc" thông tin khổng lồ.
Glenn Greenwald, một nhà bình luận của Guardian, người đầu tiên được tiếp cận với nguồn thông tin của Snowden, cho rằng, "hàng nghìn tài liệu mật mà Snowden đang sở hữu, nếu được công bố, sẽ làm tê liệt khả năng giám sát của Mỹ trên toàn thế giới. Nếu đây là thời Chiến tranh Lạnh, thì có lẽ lực lượng tình báo Nga đã trừ khử Snowden để có được nguồn tài liệu ấy.
Về phía Mỹ, chính quyền Tổng thống Barack Obama đang tiến hành một cuộc truy đuổi ở phạm vi toàn cầu với "người thổi còi" 30 tuổi, gây sức ép trước cả đồng minh và các quốc gia đối trọng để được dẫn độ anh ta về nước và buộc Snowden phải tham dự những phiên tòa chống lại chính anh.
Tuy nhiên, mong muốn này của Washington đã một lần bị từ chối khi Trung Quốc quyết định cho phép Snowden lên máy bay rời khỏi Hong Kong tới Moscow hồi cuối tuần trước. Nếu Nga quyết định bắt giữ Snowden, sẽ không có chuyện anh ta được dẫn độ về quê nhà mà chính phủ Mỹ không phải trả giá bằng một thứ gì đó.
Cái giá mà Washington phải trả có thể là sự tự do cho hai công dân Nga, Viktor Bout, trùm buôn vũ khí, và Konstantin Yaroshenko, trùm buôn lậu ma túy. Đó cũng có thể là yêu cầu dẫn độ cựu điệp viên Nga, Alexander Poteyev, người đã đào tẩu sang Mỹ hồi năm 2010 và bị cáo buộc tiết lộ toàn bộ hệ thống tình báo Nga.
Vậy tại sao Nga lại làm ngơ trước Snowden? Tối hôm thứ ba, Tổng thống Putin đã phần nào giải thích cho quyết định này. Khi được hỏi về khả năng dẫn độ "người lộ mật" về Mỹ, ông nói trong một cuộc họp báo rằng: "Snowden tự cho mình là một nhà hoạt động và tuyên bố rằng anh ta đang chiến đấu để được truyền bá thông tin. Liệu có đáng khi đẩy những người như thế vào tù?".
Putin dường như cũng coi đây là một cơ hội để thể hiện quan điểm với Washington, trong bối cảnh hai nước đang có những bất đồng sâu sắc trước vấn đề Syria.
Trong bài phát biểu mới nhất liên quan tới trường hợp của Snowden. Tổng thống Putin đã nhấn mạnh rằng Nga không muốn nhúng tay vào vấn đề này, bằng cách không chấp nhận đơn xin tị nạn cũng như không chấp nhận yêu cầu dẫn độ từ phía Mỹ.
"Snowden là một người tự do", Putin nói. "Anh ta càng sớm tìm được điểm dừng chân cuối cùng thì càng tốt cho chúng tôi và chính anh ta". Nói cách khác, Putin muốn Snowden càng sớm biến mất khỏi Nga càng tốt.
Khả năng cao nhất, đó là anh ta sẽ sớm rời khỏi Moscow trên một chuyến bay tới Mỹ Latinh. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc lực lượng an ninh của Nga sẽ không thẩm vấn Snowden trước khi máy bay của anh cất cánh. Nhiều nhà phân tích thậm chí cho rằng Snowden đã bỏ lại tất cả những bí mật của anh ở Nga và Trung Quốc.
"Những thứ ấy đã đi rồi", một cựu nhân viên tình báo của Mỹ, người từng làm việc tại Nga, nói trong bài phỏng vấn với tờ Washington Post hôm 24/6.
"Tôi đảm bảo lực lượng tình báo Trung Quốc đã nhúng tay vào việc này. Nếu họ có thể chụp lại những tài liệu đó trước khi trả lại chúng cho anh ta, thì người Nga cũng có thể làm việc tương tự."
Tuy nhiên, các nhân viên WikiLeaks, tổ chức đang giúp Snowden tìm "miền đất hứa", lại phủ nhận điều này. Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks, đã nhiều lần lặp lại nhận định rằng cả giới tình báo của Nga và Trung Quốc đều không hề thẩm vấn Snowden. Nhưng câu trả lời này chắc chắn sẽ khiến nhiều người nghi ngờ, rằng tại sao Bắc Kinh và Moscow lại có thể bỏ qua một cơ hội hiếm có như thế?
Hôm thứ ba, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nói rõ rằng Moscow sẽ không khuất phục bất cứ áp lực nào từ phía Mỹ trong vấn đề Snowden.
"Chúng tôi cho rằng hoàn toàn không công bằng và không thể chấp nhận khi cáo buộc Nga vi phạm luật pháp Mỹ", Lavrov nói trong một tuyên bố đáp lại lời chỉ trích từ người đồng nhiệm phía Mỹ, John Kerry.
"Không có cơ sở pháp lý cho những hành vi như vậy từ phía các quan chức Mỹ", ông nói thêm.
Vì vậy, tất cả những gì Mỹ có thể làm trong thời điểm này là chờ đợi những động thái tiếp theo của Snowden, mà nhiều khả năng sẽ là một chuyến bay từ Moscow tới Mỹ Latinh, để tìm lời giải đáp cho câu hỏi, rằng liệu lực lượng an ninh Nga có thu thập những thông tin mật mà Snowden đang nắm giữ hay không.
Quỳnh Hoa (Theo TIME)