Công nghệ an toàn trong công nghiệp xe hơi phát triển giúp các hãng nghiên cứu và ứng dụng thành công những hệ thống an toàn chủ động, giúp tránh hoặc hạn chế tai nạn như phanh ABS, cảnh báo va chạm người đi bộ, cảnh báo điểm mù, cảnh báo chệch làn...
Nhưng sau tất cả, nếu những công nghệ này không thể ngăn chặn một vụ tai nạn, thì hệ thống an toàn thụ động mới là những bộ phận giúp bảo vệ tính mạng của người ngồi trên xe. Hệ thống này bao gồm 4 bộ phận là thân xe với cấu trúc hấp thụ lực, dây đai an toàn, bộ căng đai khẩn cấp và túi khí.
Theo thứ tự phản ứng, khi xe đâm vào vật thể khác, hệ thống khung gầm, thân xe sẽ hấp thụ một phần lực (có thể làm biến dạng), giảm lực tác dụng vào cabin. Sau đó, dây đai an toàn giữ hành khách không lao về phía trước do quán tính. Quá trình phản ứng an toàn sẽ dừng lại tại đây, nếu vụ va chạm không đủ nguy hiểm đe dọa đến tính mạng người trong xe.
Khắc nghiệt nhất là khi xe nhận thấy vụ va chạm nguy hiểm, đe dọa tính mạng người trên xe, lúc này hai hệ thống còn lại là bộ căng đai khẩn cấp và túi khí sẽ kích hoạt, đảm bảo người ngồi trên xe không đập mặt vào vô-lăng, bảng táp-lô hay kính lái. Vậy nhờ cách nào xe có thể nhận biết tính mạng người trên xe có nguy hiểm hay không?
Câu trả lời dựa vào nguồn thông tin mà các cảm biến đặt phía trước, trên thân xe đưa về bộ điều khiển trung tâm ECU. Những thông tin đó là tổ hợp của nhiều yếu tố như gia tốc dừng, độ hấp thụ lực, độ biến dạng, xê dịch của các bộ phận cố định trên xe. Nếu ECU tính toán, phân tích nguồn thông tin này cho ra kết quả vụ va chạm chưa đủ mạnh hoặc nguy hiểm đến tính mạng, túi khí sẽ không nổ.
Tuy nhiên, rất nhiều người sử dụng ôtô thắc mắc, trong thực tế có những trường hợp đầu xe nát bét, hầu hết các bộ phận đều bị biến dạng so với ban đầu, nhưng túi khí vẫn không biến dạng, có phải do công nghệ kích hoạt túi khí trên xe hoạt động không hiệu quả?
Trả lời câu hỏi này, kỹ sư cho biết, thực tế việc đầu xe bị dầm nát không thể hiện rằng tính mạng của người trên xe bị đe dọa. Bởi lẽ, các chi tiết bằng vật liệu dễ biến dạng hay vỡ như nắp ca-pô, đèn pha, lưới tản nhiệt dù va chạm nhẹ cũng ảnh hưởng. Đồng thời, thân xe biến dạng cũng đồng nghĩa với một lượng lớn lực bị hấp thụ, giảm tác động tới cabin.
Nhìn bằng mắt thường, có thể thấy tình huống rất tồi tệ, tuy nhiên những thông tin va chạm mà cảm biến gửi về cho ECU cho thấy chưa cần thiết dùng túi khí thì hệ thống này cũng không kích hoạt. Trên thực tế có một số tình huống mà gần như chắc chắn túi khí không nổ là rúc gầm xe tải, lộn vòng, sa xuống hố, va vào lề đường, di chuyển ở tốc độ 30-35 km/h đâm vào vật đang di chuyển.
Các nhà sản xuất xe hơi và túi khí cũng không thiết kế để túi khí nổ trong những tình huống ít nguy hiểm hơn, dù việc này có thể mang lại cảm giác yên tâm cho người sử dụng xe hơi. Có 3 lý do.
Túi khí phát nổ rất nhanh khi được kích hoạt, không đầy phần nghìn giây, do đó không khác gì một cú đấm trực tiếp vào mặt, ngực người trên xe, có thể gây choáng, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Thứ hai, giá thành thay thế bộ túi khí không hề rẻ. Ví dụ ở Việt Nam một mẫu xe phổ thông hạng nhỏ hoặc trung rơi vào khoảng 40 triệu, có thể tới 100 triệu.
Cuối cùng, nguyên nhân lớn nhất là an toàn. Nếu túi khí nổ khi va chạm chưa đủ nguy hiểm thì đến tình huống nguy hiểm hơn như trong ảnh trên, sẽ không còn gì để bảo vệ người trên xe.
Các kỹ sư cũng khuyến cáo tài xế, túi khí và dây đai an toàn là hai bộ phận không thể tách rời, dù hoạt động độc lập, vì thế luôn thắt dây an toàn mỗi khi lên xe. Trong tình huống va chạm cần kích hoạt túi khí, nếu không thắt dây an toàn, người sẽ bị hất văng về phía trước đầu đập vào kính lái, phần bụng vào vô-lăng, lúc này túi khí có nổ cũng không còn tác dụng bảo vệ phần đầu.
Đức Huy