Thông tin giảm giá hàng tháng trở nên quen thuộc với khách hàng Việt từ khoảng nửa cuối 2016. Thậm chí sang 2017, trào lưu này dồn dập tới mức, các hãng xây dựng kế hoạch cho hàng tháng, thông tin đưa tới cho khách hàng từ ngày đầu tiên của mỗi tháng. Không chỉ vậy, các đại lý còn ngầm hiểu với nhau tự giảm giá dù không có chính sách từ hãng. Với đại lý, lợi nhuận bán xe có thể giảm, hòng lấy doanh số, tìm lợi nhuận bù từ dịch vụ.
Khơi mào cho cuộc chiến là Trường Hải với bộ 3 thương hiện Mazda, Kia, Peugeot, đặc biệt là Mazda, với tham vọng đạt doanh số cao để thực hiện chiến lược lắp ráp và xuất khẩu. Cách ông lớn này duy trì mức giá giảm trong thời gian dài khiến các đối thủ, đặc biệt là những hãng đến từ Nhật phải đau đầu. "Làm cách nào để cạnh tranh?" là câu hỏi thường trực.
Trong cuộc chơi về giá, không còn cách nào khác ngoài việc giảm giá theo, nhất là khi các sản phẩm của Mazda hợp gu người Việt. Khi Toyota giảm giá 60 triệu cho Vios và Altis vào tháng 7/2016, khách hàng không khỏi bất ngờ, vì trước đó giá xe của Toyota chỉ tăng, không giảm. Đó cũng là chỉ dấu cho một làn sóng giảm giá kéo dài chưa ngừng. Toyota hiện tặng bảo dưỡng 3 năm, hay trước đó là mua xe có cơ hội trúng Camry.
Bằng cách này hay cách khác, giảm tiền mặt, tặng bảo hiểm, trước bạ hay tặng phụ kiện, mỗi hàng đều tìm cách để khách hàng thấy họ đang nhận được nhiều lợi ích hơn, tổng chi phí lăn bánh cho xe giảm đáng kể.
Theo quy luật chung, dịp Tết nguyên đán là khoảng thời gian các hãng tung khuyến mãi sâu nhất để thu hụt khách hàng sắm xe dịp cuối năm. Sau đó, "ra Giêng" gần như thị trường chững lại, vì người mua xe ít, hãng cũng không mặn mà. Nhưng 2017 thì ngược lại, gây sốc đầu năm là Nissan khi giảm tới 100 triệu cho X-Trail, mẫu xe mang nhiều tham vọng cạnh tranh với CX-5 vốn đang "làm mưa làm gió".
Trường Hải thì vẫn miệt mài với chiến lược nhất quán là giảm đều. Bắt theo cuộc chơi là những hãng có thị phần nhỏ như Chevrolet, Isuzu, Mitsubishi với các gói ưu đãi liên tục, từ vài chục tới gần 100 triệu đồng. Trong tháng 6, Mitsubishi giảm tới hơn 100 triệu cho cả Outlander và Pajero Sport, kiểu chơi lớn của hãng xe Nhật, khi giá xe luôn cao hơn vài trăm triệu so với các đối thủ, bởi nguồn gốc nhập khẩu.
Ba hãng có thị phần lớn còn lại là Hyundai, Ford, Honda cũng phải cuốn theo cuộc chiến. Hyundai giảm 50 triệu cho Elantra và 70 triệu cho Santa Fe trong nhiều tháng liền. Honda giảm 150 triệu cho CR-V dù không phải chương trình chính hãng. Đại lý của Ford cũng giảm liên tục 50-70 triệu cho EcoSport, Focus.
Ở thị trường xe phổ thông, tất cả các hãng đều đã tham gia cuộc chiến giảm giá. Lãnh đạo một hãng xe Nhật từng nói sẽ chỉ giảm giá tới một mức, để chừa nguồn lực cho những lợi ích khác của khách hàng như dịch vụ hậu mãi.
Nhưng hiện tại, nếu không "đâm lao" theo thị trường đồng nghĩa sẽ tụt lại phía sau trong cuộc đua thị phần, lúc đó mọi tính toán về hậu mãi và những lợi ích khác cho khách hàng đều trở thành bất khả thi.
Đức Huy