Đó là vào lúc 3 giờ sáng ngày 6/6, khi Courtland Kelly giật mình tỉnh giấc, sửng sốt lay vợ dậy. General Motors (GM), nơi Kelly làm việc hơn 30 năm, sẽ tiết lộ kết quả cuộc điều tra về vấn đề công tắc điện bị lỗi trên chiếc Chevrolet Cobalt mà hậu quả là dễ dàng trượt về vị trí "off" – ngắt nguồn điện gây chết máy, vô hiệu hóa túi khí ngay khi cần thiết nhất.
Ít nhất 13 người chết và 54 vụ tai nạn. CEO GM, Mary Barra, được triệu tập trước Quốc hội vào tháng 4 để giải thích về cuộc khủng hoảng triệu hồi. Bà nhiều lần từ chối trả lời câu hỏi của các nhà lập pháp trước khi nắm trong tay kết quả cuộc điều tra của công ty. Đến nay đã có, Kelly ngồi ở hiên sau ngôi nhà vùng quê cách 145 km về phía Tây Bắc Detroit, kiên nhẫn đọc hết 325 trang "Báo cáo Valukas" trên máy tính.
“Báo cáo Valukas” do luật sư Mỹ có tên Anton Valukas soạn ra theo yêu cầu của GM từ các cuộc phỏng vấn 230 nhân chứng cùng 41 triệu chứng từ. Bản báo cáo này đổ lỗi cho một nền văn hóa của sự tự mãn nên trì hoãn hơn một thập kỷ, trước khi công ty triệu hồi hàng triệu xe bị lỗi. Nó mô tả các nhân viên đùn đẩy trách nhiệm, các ủy ban kiểm tra rơi vào trạng thái “cái gật đầu GM” – khi mọi người trong cuộc họp đều "gật đầu" đồng ý rằng có vấn đề xảy ra, nhưng không ai thực sự hành động.
Trang 93 trích dẫn lời nói của Steven Oakley, thanh tra an toàn GM rằng anh quá sợ hãi để khẳng định các vấn đề an toàn với chiếc Cobalt sau khi chứng kiến người tiền nhiệm của mình “bị đuổi việc chỉ vì làm điều đó”. Đọc đến đây, Kelly ấm ức như bị ai đánh mà không thể đánh trả. Người tiền nhiệm mà Oakley nhắc tới chính là Kelly.
Kelly kiện GM vào năm 2003, cáo buộc hãng xe kéo dài những mối nguy hiểm trên sản phẩm của họ. Thậm chí dù thua kiện, Kelly nghĩ rằng bằng cách này, ông thổi tiếng còi báo động và tạo dựng con đường cho những người GM lên tiếng. Nhưng thực tế, những tác động lại đi theo chiều ngược lại. Thua cuộc, và cái cách sự nghiệp của ông xuống dốc sau đó, dạy cho những người khác ở hãng rằng, tốt nhất nên im lặng.
“Ông ấy đứng ở cửa phòng ngủ với khuôn mặt sửng sốt”, Beth Kelly, người vợ chung chăn gối 23 năm phàn nàn. “Có lẽ chúng tôi quá ngây thơ, nhưng chúng tôi thực sự nghĩ rằng từ khi tất cả những chuyện này xảy ra, điều gì đó tốt đẹp sẽ đến”. Kelly từ chối lên tiếng, nhưng những lời cáo buộc của ông được đặt trong hồ sơ tòa án.
Kelly là người đứng đầu chương trình kiểm tra của GM trên toàn quốc và sau đó làm quản lý chất lượng cho chiếc Cavalier, mẫu xe tiền nhiệm của Cobalt. Ông phát hiện lỗi và báo cáo, hết lần này lần khác, phát hiện phản ứng không mong muốn của đồng nghiệp và các giám sát. Ông nghĩ họ quan tâm nhiều tới việc duy trì bộ máy quan liêu và tránh những cuộc triệu hồi tốn kém hơn là việc dừng bán những mẫu xe nguy hiểm. Thậm chí, Kelly còn bị đe dọa nếu thể hiện mối quan tâm của mình với Cục quản lý an toàn giao thông đường cao tốc quốc gia (NHTSA).
Thất vọng với phạm vi hạn chế của cuộc triệu hồi SUV năm 2002, đến 2003 ông khởi kiện GM theo luật thổi còi (whistle-blow) ở Michigan. GM phủ nhận những việc làm sai trái, rồi tình huống bị lờ đi vì lý do thủ tục. Sự nghiệp của Kelly đi vào trạng thái ngủ đông, ông được chuyển tới làm việc trong một bộ phận khác của công ty, GM thì tiếp tục sản xuất những chiếc xe dính lỗi.
Với giá bán khoảng 16.000 USD, Cobalt trở nên phổ biến với tài xế tuổi teen. Cái chết đầu tiên liên quan đến lỗi công tắc là vào tháng 7/2005, khi Amber Marie, cô gái 16 tuổi ở Maryland gặp tai nạn trên chiếc Cobalt đỏ đâm vào một gốc cây ven đường. Túi khí không kích hoạt. Dù trong nhiều năm sau, báo cáo tai nạn nói rõ về việc chết máy và túi khí bị vô hiệu hóa, GM vẫn không động tĩnh, chờ tới 13/2/2014 mới bắt đầu triệu hồi.
Giờ đây, GM lại tỏ ra hối hận, hứa thay đổi, sa thải 15 nhân viên vì đạo đức kém hoặc thiếu năng lực. Công bố những phát hiện ở báo cáo Valukas cho người lao động vào 5/6, Barra gọi báo cáo là “rất kỹ lưỡng, tàn nhẫn dai dẳng, và lo lắng sâu sắc”. Nó miêu tả bộ máy quan liêu, thờ ơ, không quan tâm tới các dấu hiệu của xe đã gây ra tai nạn chết người. “Bản thân GM, ủy ban kiểm tra nội bộ đã phát hiện vấn đề nhưng không có hành động gì hoặc phản ứng quá chậm trễ”, Valukas viết. “Mặc dù người GM có trách nhiệm sửa chữa lỗi lầm, nhưng không ai nhận trách nhiệm”.
Thật đúng tồi tệ như thế, câu chuyện của Kelly cho thấy tình hình đã đi quá xa. Công nhân phát hiện những lỗi gây mất an toàn có thể tiêu tan sự nghiệp. "Khi một nhân viên GM nói ra sự thật, hãng xe lớn nhất nước Mỹ sẽ đuổi việc anh ta".
Kelly là một người hòa nhã, 52 tuổi, mái đầu bạc khiến ông càng già hơn. Bạn bè Kelly đều coi tính cương trực của ông như một tòa án, họ còn đùa vui rằng nên làm vòng đeo tay với dòng chữ "WWCD", tức "What would Court do?" (Tòa án sẽ làm gì) để nói về phong cách sống của Kelly.
"Ông ấy thực sự là người có thể khiến bạn tin tưởng", vợ ông nói. "Tôi không có bất cứ nghi ngờ nào với những quyết định của ông ấy".
Kelly là thế hệ nhân sự thứ ba của GM. Bố và ông nội của ông cũng làm việc cho hãng xe này. Năm 1983, Kelly bắt đầu ở GM với tư cách là một kỹ thuật viên mới ra trường từ cao đẳng cộng đồng. Năm 1988 làm việc ở chương trình kiểm tra toàn cầu của công ty. Trong lúc làm việc, ông tìm ra những tiếng ồn nhỏ và lúc lắc, sau đó phát hiện ra những dấu hiệu về vấn đề an toàn quan trọng hơn.
Người tiền nhiệm của Kelly ở vị trí đó là McAleer. Cũng giống Kelly, McAleer nhìn nhận nghiêm túc những gì ông phê bình, ông cũng từng kiện công ty hồi tháng 6/2000 để tìm kiếm sự bảo vệ cho những người dám lên tiếng. GM phủ nhận cáo buộc, thẩm phán bác bỏ đơn kiện. Sự ra đi của McAleer khiến Kelly quan tâm hơn đến những vấn đề mà ông thấy.
Kelly chỉ ra rằng trung bình có 2-3 lỗi được phát hiện mỗi tháng. Trong tháng 5/2000, một xe ở Flint, Michigan có hệ thống chống bó cứng phanh không hoàn động, một xe ở Lansing bị rò rỉ nhiên liệu. Vụ kiện của McAleer cho biết 1% trong số các xe mà GM sản xuất năm 1999 mắc lỗi, hoặc hơn 30.000 xe hơi và xe tải Bắc Mỹ bị lỗi.
Kelly đã tiếp cận quản lý trực tiếp của mình, George Kingston, giám đốc chất lượng vùng Bắc Mỹ năm 2000, để trình bày mối quan tâm sâu sắc. "Tôi muốn gặp Kingston nói chuyện này, nhưng nó không khiến ông ta phản ứng hay ngạc nhiên", Kelly cho biết. "Ông ta dường như chỉ nghiêm túc hơn khi tôi nói rằng tôi không thể chờ đợi thêm nữa và sẽ trình lên chính phủ"". Phản ứng ư? "Ông ta co rúm lại", Kelly nói, "và hạ giọng rằng sẽ coi trọng hơn nếu tôi không làm thế". Kelly cho Kingston 60 ngày để hành động nhưng cuối cùng Kingston không làm bất cứ điều gì.
Tháng 9/2000, Kelly cáo buộc trong hồ sơ tòa án rằng Kingston chỉ đạo ông không cung cấp cho McAleer, khi đó vẫn còn là nhân viên của GM, bất cứ thông tin nào về lỗi nghiệm trọng mà ông phát hiện. "Kingston cho biết vừa trở về từ một cuộc họp với các vấn đề mà McAleer đưa ra cũng như câu hỏi mà giới truyền thông đặt ra cho GM". Kingston nói với Kelly "nhân sự cấp cao của GM và luật sư của công ty đã tham gia và bày tỏ thái độ giận dữ”. Kingston lo ngại cho Kelly khi giám đốc cao cấp muốn chuyển ông chuyển đến làm ở một nhà máy ngoại ô Detroit.
Trong khi công việc căng thẳng, cuộc sống gia đình của Kelly lại nở hoa. Ông và vợ có hai người con, sở hữu một ngôi nhà màu trắng hai tầng trên con phố rợp bóng cây ở Owosso, Michigan. Kelly vẫn trung thành với GM. Hàng xóm của Kelly, Fred Van Alstine, một bác sĩ có cha làm ở nhà máy của GM nói chuyện với Kelly khá nhiều xung quanh khoảng thời gian này và vô tình coi nhẹ hãng sản xuất ôtô số một ở Mỹ. Ông nhớ lại Kelly nói, "tôi tự hào khi làm việc tại GM".
Một ngày tháng 11/2001, khi kiểm tra xe tại một ga đường sắt ở Tampa trước khi chuyển đến đại lý, ông nhận thấy một chiếc SUV Chevrolet TrailBlazer bị rò rỉ nhiên liệu. Kelly phát hiện ra dòng nhiên liệu bị ngắt kết nối tại bộ lọc. Ngày hôm sau, ông bắt đầu nhận được báo cáo tương tự từ nhiều nơi trên khắp nước Mỹ. Ông đưa vấn đề này không chỉ lên người quản lý trực tiếp của mình mà cả những nhà điều tra sản phẩm ở bộ phận pháp lý của GM.
Kelly nghĩ rằng việc ai đó bị thương, thậm chí mất mạng chỉ là vấn đề thời gian. "Báo cáo của cảnh sát cho biết đã có tia lửa đốt cháy nhiên liệu khiến người bị thương". Mặc cho mối quan tâm của mình, đồng nghiệp Kelly phản đối ông liên hệ với chính phủ.
"Với chuyện này, tôi biết rằng không thể không báo cáo", Kelly nói trong một bản tường thuật. "Tôi nghe nói họ không muốn thông báo cho chính phủ, cho đại lý, bởi chính phủ có thể phát hiện ra mọi việc".
Đức Huy (theo Businessweek)