Bản chất của vấn đề nằm ở luật giao thông đường bộ (GTĐB) của chúng ta có những quy định không giống ai. Việc phân chia tốc độ xe chạy ở nước ngoài theo làn đường (các loại phương tiện đều bình đẳng và chạy cùng tốc độ quy định trên một làn theo quy định). Làn thứ 3 trên cao tốc là làn vượt, cho phép chạy tốc độ không giới hạn.
Chính vì vậy mới có nhừng tài xế chạy xe nhường đường lịch sự văn minh ở nước ngoài. Còn ở ta, việc phân chia tốc độ xe chạy trên đường bình thường (đường trong đô thị và ngoài đô thị) là theo loại phương tiện (6 loại: xe thô sơ, xe máy, xe con, xe tải, xe khách, container). Chạy trên cao tốc thì 2 lane là như nhau từ 80-120 km/h (cụ thể cao tốc TP HCM - Long Thành Dầu Dây).
Điều này đã tạo ra cảnh xe sau bấm còi mà xe trước không nhường đường và xe sau phải chuyển làn để vượt phải, rồi 2 xe tải chạy song song làm nhiều xe nối đuôi nhau một đoạn dài mà không vượt được.
Tôi không nói những lái xe chạy trên cao tốc ở tốc độ dưới 80 km/h và không chịu nhường đường cho xe sau xin vượt, rõ ràng họ đã vi phạm quy định tốc độ tối thiểu trên cao tốc (đương nhiên họ cũng là người thiếu ý thức và không có văn hóa rồi).
Những lái xe chạy 80-81 km/h mà không nhường đường thử hỏi họ sai gì về luật? Hai xe tải chạy song song cùng tốc độ 80 km/h làm cho các xe khác không thể vượt cũng vậy, họ sai gì về luật?
Họ không sai về luật, tham chiếu nào gọi họ là không ý thức và vô văn hóa? Nếu muốn nhường đường thì họ cũng phải làm một loạt các động tác như bật xi-nhan, quan sát gương hậu, quan sát xem có xe đi trong điểm mù hay không mới từ từ đánh lái chuyển làn.
Nếu không có chế tài thì chẳng có gì bắt họ phải thực hiện việc này để được 2 chữ có văn hóa cả. Nếu muốn vượt lên để đi nhanh, sao xe phía sau không làm những động tác như họ để vượt đi, mà chỉ biết bấm còi rồi phán xét người khác là vô ý thức?.
Xin được nói rõ hơn về việc nhường đường trên cao tốc: Giả sử đang chạy trên xe gầm cao, ví dụ Innova chẳng hạn, vì nhiều lý do như xe cũ, chất lượng không cho phép chạy trên 100 km/h, kỹ năng lái còn chưa cứng. Xe phía sau cứ bấm còi xin vượt, buộc lòng phải bật xin nhanh, nhìn gương chiếu hậu, quan sát xem có xe nào ở làn bên cạnh ở trong điểm mù hay không.
Điều quan trọng là phải xác định xem, làn mình chuyển qua có xe nào đang chạy ở tốc độ 120 km/h. Việc này rất khó vì phải nhìn kính chiếu hậu để xem và ước lượng từ xa, khi đó mới từ từ đánh lái qua.
Vừa chuyển làn xong, lại có xe khác từ phía sau phi lên cũng còi xin vượt, bạn lại làm tất cả các động tác như trên để nhường cho họ vượt. Về lại làn cũ chưa yên lại có xe nữa bim còi. Chạy hết 55 km TP HCM - Long Thành, bạn cử đảo hết làn này qua làn khác để nhường đường như thế, khi đó thế nào?
Ở đây tôi nhận ra một điều là tất cả các xe chạy phía sau còi xin vượt họ khôn quá, đẩy tất cả những ức chế, rủi ro khi chuyển làn trên đường cho bạn. Phải chăng họ ích kỷ quá?
Họ chỉ nghĩ đến bản thân họ, thao tác ít, rủi ro cũng ít khi không phải chuyển làn mà lại được đi nhanh.
Cuối cùng Luật GTĐB lập ra để ràng buộc tất cả mọi người lái xe đều bình đẳng như nhau và di chuyển an toàn trên cao tốc. Đối với luật chỉ có hành vi đúng hoặc sai thôi.
Tóm lại, muốn người lái xe lịch sự, văn minh thì cần phải sửa lại quy định chạy xe trên cao tốc sao cho hợp lý nhất.
Huỳnh Phong