Cụm thiên hà MS 0735.6+7421 nằm cách Trái Đất 2,6 tỷ năm ánh sáng, trong chòm sao Giraffe (Camelopardalis). Nhuốm ánh sáng màu xanh dương và hồng huỳnh quang, MS 0735.6+7421 là nơi xảy ra vụ nổ mạnh nhất vũ trụ chỉ sau Big Bang.
Theo ABC News, vụ nổ kéo dài trong 100 triệu năm qua và vẫn đang diễn ra, giải phóng năng lượng lớn gấp hàng trăm triệu lần một vụ phát nổ tia gamma. Vụ nổ này sinh ra từ hố đen lớn nhất trong vũ trụ, có trọng lượng lớn hơn Mặt Trời 10 tỷ lần. Theo các nhà thiên văn học, để tạo ra vụ nổ, hố đen đã "nuốt chửng" khối lượng vật chất nặng hơn 600 triệu lần so với Mặt Trời.
Hình ảnh của cụm thiên hà được tổng hợp từ dữ liệu X quang, sóng vô tuyến và hình quang học từ Kính viễn vọng Vũ trụ Hubble. Những tia X quang, thể hiện bằng màu xanh trong ảnh, do cụm thiên hà phát ra và được Đài thiên văn tia X Chandra của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện. Chúng chỉ ra khí nóng tạo nên phần lớn khối lượng của cụm thiên hà khổng lồ.
Phần màu hồng là những lỗ hổng lớn có đường kính trên 600.000 năm ánh sáng, hình thành do sự bắn phá của các luồng tia khí từ dải ngân hà trung tâm. Những lổ hổng này chứa đầy hạt electron năng lượng nhiễm từ. Chúng phát ra sóng vô tuyến và được kính viễn vọng vô tuyến Very Large Array ở New Mexico, Mỹ, thu lại.
Phương Hoa