Ảnh: Reuters. |
Nhiều giả thuyết đã được đưa ra về mục đích tiến hóa của cái bờm rậm rạp luôn đi kèm với "chúa sơn lâm". Vài nhà khoa học đã phỏng đoán rằng chúng được sinh ra là để hấp dẫn con cái, đồng thời bảo vệ cổ sư tử trước những cú đớp của tình địch.
Nhưng các nhà nghiên cứu tại Bảo tàng lịch sử Field, Chicago (Mỹ) cho biết những con sư tử không bờm hoặc bờm mỏng ở khu bảo tồn thiên nhiên Tsavo, Kenya vẫn thu được sự quan tâm của khối nàng.
Khi so sánh sư tử sống trong khu bảo tồn Tsavo ẩm ướt, nóng nực với những con sống trên vùng cao và lạnh hơn ở đồng bằng Serengeti, các nhà nghiên cứu nhận thấy lũ sư tử đực ở Tsavo có cái bờm nhỏ hơn đồng loại của chúng.
Một vài nhà nghiên cứu đã phỏng đoán rằng sư tử Tsavo có nhiều testosterone trong cơ thể hơn - lý giải cho tính hung hăng khác thường và hiện tượng kém mọc bờm của chúng - giống như loại hoóc môn này đã làm đối với những người đàn ông hói đầu.
Số khác lý giải rằng có thể chúng đã thừa hưởng đặc điểm trên từ những con sư tử châu Âu nay đã tuyệt chủng, mà những hình vẽ của chúng trong hang động cho thấy cái đầu không bờm.
Cũng có giả thuyết cho rằng sư tử không bờm trong rừng cấm Tsavo là do chúng bị suy dinh dưỡng, thiếu nước, hoặc bị rách bờm khi chui lủi qua những bụi cây hoặc dưới tán quả có gai.
Song, Thomas Gnoske và Kerbis Peterhans từ bảo tàng Field đã bác bỏ những giả thuyết này.
Họ cho biết những con đực mà họ quan sát thấy ở Tsavo cũng có bờm, nhưng phát triển muộn và mọc chậm hơn, đồng thời cũng mỏng hơn so với đồng loại của chúng ở Serengeti.
Những cái bờm bé nhỏ của sư tử Tsavo dường như chẳng ảnh hưởng gì tới khả năng giao phối của chúng, nhóm nghiên cứu nói. Quan sát cho thấy những con sư tử thiếu bộ cánh hùng vĩ này vẫn cứ là thủ lĩnh trong bầy.
"Chúng tôi cho rằng tất cả sư tử đều mọc bờm phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương chúng ở", các tác giả viết. "Ở một thời điểm nào đó, việc làm mát được ưu tiên hơn những lợi ích tiến hóa hóa khác".
T. An (theo Reuters)