Theo Live Science, các nhà khoa học đến từ Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học thuộc Khối thịnh vượng chung tại Australia phát hiện những chứng cứ đầu tiên cho thấy các cây bạch đàn ở Australia có những hạt vàng trên các bộ phận cây, nhờ đó có khả năng tiết lộ nơi chứa kim loại quý dưới lòng đất.
Các nhà nghiên cứu tiến hành nghiên cứu lá, cành và vỏ cây bạch đàn có chiều cao 10 m từ hai nơi ở Australia, một nơi ở phía tây và một nơi ở nơi ở phía nam. Những chứng cứ đầu tiên cho thấy các hạt vàng tự nhiên có trong các mô sống của cây bạch đàn. Các lần khoan thăm dò trước đó cho thấy những khu vực này có vàng nằm sâu dưới lòng đất nhưng không bị các hoạt động đào vàng làm xáo trộn.
Kết quả phân tích tia X phát hiện các hạt vàng có kích thước khoảng 8 micron, mỏng hơn 10 lần so với kích thước trung bình của sợi tóc, có trong tế bào của cây. Các mẫu phân tích hiện trường và các thí nghiệm hiệu ứng nhà kính cho thấy những hạt vàng này tồn tại với nồng độ thấp, không đủ gây hại cho cây và được rễ cây hấp thụ rồi vận chuyển đến các bộ phận như lá, nơi các nhà nghiên cứu quan sát được nồng độ cao nhất.
"Chúng tôi sửng sốt khi biết được khả năng nuôi dưỡng những hạt vàng của các cây bạch đàn từ sâu trong lòng đất hàng chục mét", Melvyn Lintern, nhà địa hóa học của Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học thuộc Khối thịnh vượng chung tại Australia, cho biết.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khuyến cáo không nên khai thác vàng từ những cây bạch đàn này. Lượng vàng trên cây vô cùng nhỏ, với khoảng 500 cây bạc đàn hoặc thậm chí nhiều hơn thì mới có thể có được lượng vàng đủ để làm một chiếc nhẫn.
Thay vào đó, cây bạch đàn có thể giúp những người thợ đào vàng xác định những mỏ vàng ở dưới lòng đất, nhờ đó hạn chế thời gian tìm kiếm, tiền bạc cũng như công sức.
Các nhà khoa học tập trung vào cây bạch đàn bởi trước đó dấu vết của vàng từng được tìm thấy trong đất xung quanh các cây này. Tuy nhiên, cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa chắc chắn răng liệu bạch đàn có thực sự hấp thụ các kim loại quý từ các mỏ dưới lòng đất hoặc chỉ đơn giản do gió thổi bụi vàng có từ những nơi khác đến. Họ cũng hy vọng một ngày nào đó kết quả nghiên cứu có thể giúp cho các hoạt động đào vàng, đặc biệt từ khi những phát hiện mỏ kim loại mới chứa kim loại quý này đã giảm 45 % trong vòng 10 năm qua..
Thùy Linh