Tàu thăm dò Al Amal sẽ nghiên cứu bầu khí quyển của sao Hỏa. Video: MBRSC.
Các nhà nghiên cứu của Cơ quan Vũ trụ Mohammed Bin Rashid (MBRSC) tại thành phố Dubai, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đang tích cực phát triển công nghệ để kịp phóng tàu vũ trụ Al Amal lên thăm dò sao Hỏa, Futurism ngày 31/7 đưa tin.
Trái Đất và sao Hỏa có quỹ đạo khác nhau trong hệ Mặt Trời. Do Trái Đất chỉ gần sao Hỏa nhất hai năm một lần khi Mặt Trời, Trái Đất, sao Hỏa thẳng hàng, tên lửa đẩy phải rời mặt đất vào tháng 7/2020 để tàu thăm dò lên được sao Hỏa trong thời gian ngắn nhất.
Với tổng ngân sách 5,44 tỷ USD, tàu thăm dò Al Amal nặng khoảng 1,5 tấn, được làm bằng nhôm theo cấu trúc tổ ong rộng 2,37 m, cao 2,9 m. Các nhà nghiên cứu của UAE đang hợp tác với các nhà khoa học của Đại học Colorado, Mỹ để học công nghệ sản xuất tàu thăm dò vũ trụ này.
Al Amal theo dự kiến lên quỹ đạo sao Hỏa vào năm 2021 để nghiên cứu sự phát triển bầu khí quyển. "Sứ mệnh sẽ đưa chúng ta đến một cấp độ kiến thức khoa học mới về sao Hỏa và bầu khí quyển của hành tinh này", Salem Humaid ALMarri, trợ lý tổng giám đốc phụ trách các vấn đề công nghệ và khoa học tại MBRSC, nói.
UAE đặt ra mục tiêu xây dựng nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, phát triển kiến thức, nghiên cứu khoa học và những ứng dụng vũ trụ phục vụ lợi ích con người, tạo ra một nền kinh tế bền vững dựa trên kiến thức.
Vũ Phong