Ngày 3/4, hội thảo "Công nghệ viễn thám phục vụ cho phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam - Ứng dụng trên đất liền" do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với tập đoàn CLS (Pháp) tổ chức tại Hà Nội.
Trình bày chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020, ông Đào Ngọc Chiến, Phó vụ trưởng Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ), nhấn mạnh việc nghiên cứu vệ tinh thay thế VINASAT 1. Vệ tinh này được phóng vào vũ trụ ngày 19/4/2008 từ bãi phóng Kourou, Guyana thuộc Pháp. Đây là vệ tinh viễn thông địa tĩnh đầu tiên của Việt Nam, tuổi thọ từ 15 đến 20 năm và 95% dung lượng đang được sử dụng.
"Tuổi thọ của vệ tinh VINASAT 1 có thể chỉ kéo dài đến năm 2023, Việt Nam cần nghiên cứu và có báo cáo khả thi phóng vệ tinh thay thế trong thời gian sớm", ông Chiến nói và cho biết thêm vệ tinh VINASAT 2 được phóng vào vũ trụ năm 2012 cũng đã có 65% dung lượng được sử dụng.
Trước khi phóng vệ tinh thay thế VINASAT 1, trong viễn thám, Việt Nam sẽ phóng hai vệ tinh rađa thay thế VNRED Sat-1 (vệ tinh quan sát Trái đất được phóng năm 2013 và có tuổi thọ 5 năm). "Theo kế hoạch, hai vệ tinh hiện đại LOTUSat-1 và LOTUSat-2 sẽ được phóng lên vũ trụ lần lượt vào năm 2019 và 2022", ông Chiến thông tin.
Nghiên cứu phóng các vệ tinh mới vào vũ trụ là một phần mục tiêu của đề án Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020. Được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2006, đề án đã đạt được nhiều thành quả về phát triển ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, như: khí tượng thủy văn, tài nguyên môi trường; nông nghiệp, thủy sản, giao thông vận tải, xây dựng hay du lịch.
Tuy nhiên, ông Chiến cho rằng Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của công nghệ vũ trụ, việc ứng dụng còn rời rạc. "Thế giới đánh giá Việt Nam có tiềm năng lớn trong ứng dụng công nghệ vũ trụ do có dân số đông, chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nhưng nhận thức của nhiều người Việt Nam về tiềm năng đó chưa đúng mức", ông nói.
Cũng trong hội thảo hôm nay, Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Công ty Plannet của Mỹ đã ký bản ghi nhớ nhằm xây dựng chương trình trao đổi và hỗ trợ chính quyền các cấp, các nhà khoa học Việt Nam có thể tiếp cận với công nghệ vũ trụ mới nhất trên thế giới.
Thanh Tâm