Mới học hết lớp 7, nhưng ông Phạm Văn Hát (45 tuổi, thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ, Tứ Kỳ, Hải Dương) đã sáng chế thành công hàng chục máy nông nghiệp, như máy đánh luống, máy thu hoạch rau húng, máy rạch hàng, máy cày hai lưỡi. Trong đó, robot gieo hạt tự động là sản phẩm ông tâm huyết và được nhiều người không chỉ trong nước mà ngay cả Đức, Mỹ cũng quan tâm.
Ông Hát cho biết, mỗi năm ông bán vài chục chiếc với giá 35 triệu đồng cho người Việt và 3.500 USD khi xuất sang Đức hoặc Mỹ. Robot gieo hạt đã được bán đi 14 nước. "Đạt thành quả như hôm nay, tôi và gia đình đã trải qua bao nhiêu gian truân, có lúc tưởng không thể gượng dậy", ông nói.
Sinh ra trong gia đình làm nông tám anh chị em, ông Hát phải nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình. Học hết lớp 7, cậu bé Hát khi đó được gửi đến xưởng cơ khí trên thành phố vừa học vừa làm. Có chút kiến thức vững chắc, ông trở về quê hương mở xưởng cơ khí riêng.
Để phát triển kinh tế gia đình, giai đoạn 2007-2010, ông Hát còn thuê ba hec-ta trồng rau sạch. Hồi đó khái niệm "rau hữu cơ", "rau an toàn" chưa được nhiều người biết đến, nên đầu ra cho sản phẩm không ổn định, khiến gia đình ông lâm cảnh nợ nần với số tiền lên ba tỷ đồng.
Không nhụt chí, ông quyết định vay thêm 200 triệu đi xuất khẩu sang Israel vừa làm để trả nợ, vừa học tập kinh nghiệm trồng rau an toàn. Tại đây, dù có sự hỗ trợ của máy móc, nhưng nhiều công đoạn sản xuất rau vẫn làm thủ công với hiệu suất không cao, trong khi người làm mỗi ngày tới 10 tiếng.
Với kiến thức về cơ khí, người nông dân Việt mạnh dạn đề xuất với chủ trang trại một số cải tiến kỹ thuật nông cụ để giảm sức lao động, tăng năng suất. Người chủ đồng ý và sau 6 tháng ông Hát đã tạo ra chiếc máy rải phân trên gốc cây. Bất ngờ hơn khi nó được nhiều trang trại khác đặt mua. "Ông chủ đã bán bản quyền với giá 4 tỷ đồng Việt Nam, rồi cho tôi 200 triệu đồng", ông Hát nhớ lại.
Ông còn tạo ra các sản phẩm khác giúp ích trang trại như máy cắt rau và vệ sinh luống rau, nên người chủ Israel ngày càng tín nhiệm và muốn giữ ông ở lại với mức lương hơn 2.000 USD. Nhưng ông từ chối để quay về Việt Nam với mong muốn giúp ích cho gia đình và bà con. Năm 2012 ông về nước và dùng số tiền tích lũy mở xưởng cơ khí.
Về quê, ông tiếp tục tạo thêm nhiều sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Một hôm ông nhận được đơn đặt hàng sáng chế chiếc máy gieo hạt tự động do không có nhân công làm từ người anh trai chuyên làm cây con giống. Ông Hát đồng ý và bắt tay thực hiện khoảng giữa năm 2012. Mày mò, kiên trì trong hai năm, chiếc máy ra đời trông thô kệch và các hạt rải trên luống không đều.
"Thời kỳ này, gia đình tôi lục đục vì khoản nợ cũ chưa trả hết, còn tôi đang làm những thứ chẳng những không ra tiền mà số tiền ít ỏi trong nhà lại lần lượt không cánh mà bay. Thấy tôi quyết tâm, vợ và con mới hết ngăn cản", ông Hát nhớ lại.
Kiên trì cải tiến, cuối cùng ông đã thành công. Robot nặng 20 kg có khả năng gieo các loạt hạt rau. Nó được thiết kế đi trên mọi địa hình, mỗi lần gieo 40 hạt/luống, khoảng cách 3-4 cm và chỉ vài phút là xong.
Nguồn: Sáng tạo Việt.
Với sáng chế này, ông Hát được giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hải Dương 2012-2013, giải khuyến khích cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc năm 2013 và giải nhất cuộc thi Nhà sáng chế số 9 năm 2014. Sản phẩm không chỉ được nông dân các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ đặt mua mà còn nhận được sự quan tâm của nhiều nước như Mỹ, Thái Lan, Đức...
Từ thành công với rau, ông còn cho ra đời các loại máy gieo hạt ngô, máy gieo hạt đậu đỗ, máy gieo hạt rau giống và rau ăn lá. Những năm gần đây, ông còn tạo ra các thiết bị khác như lò sấy điện nông sản kiểu mới, máy thu hoạch rau húng; máy thái cá; máy rửa thịt tự động. Những sáng chế giúp ông mỗi năm thu 2,8 tỷ đồng, lợi nhuận 900 triệu đồng.
Với thành tích trên, ông được nhận danh hiệu Huân chương lao động hạng ba năm 2015; Bằng khen của Trung ương Hội nông dân năm 2014; Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2016.