Từ hôm nay (15/2), Thông tư liên tịch 27 giữa Bộ Tài chính và Bộ Khoa học Công nghệ ký kết ban hành có hiệu lực. Với các quy định mới về xây dựng định mức, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ, văn bản này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc về thủ tục thanh quyết toán, tạo thuận lợi cho các nhà khoa học.
Trước đây, giới khoa học chỉ được khoán chi một phần, tức là chỉ những gì liên quan đến con người mới được khoán, còn chi phí như mua sắm trang thiết bị, nguyên vật liệu phải thực hiện theo quy định của Nhà nước hoặc qua đấu thầu. Điều này dẫn đến thực trạng nhiều đề tài xuất sắc được nghiệm thu, nhưng không có sản phẩm, hoặc sản phẩm không ứng dụng vào thực tiễn vì bị kiểm soát đầu vào rất chặt ở chứng từ, trong khi sản phẩm cuối cùng lại không được quan tâm.
Với thông tư mới, người làm khoa học có thể chuyên tâm nghiên cứu, không phải lo về thanh quyết toán nếu cam kết hoàn thành sản phẩm theo đúng mục tiêu đề ra. Nhà nước chỉ quan tâm đến sản phẩm cuối cùng có đáp ứng được yêu cầu hay đúng tiêu chí đặt hàng hay không để tạm ứng hay quyết toán.
Lãnh đạo Bộ Khoa học cho rằng, không phải nhà khoa học nào cũng mạnh dạn thực hiện theo hình thức này, bởi khi nhận đơn đặt hàng, họ phải theo đến cùng, trong quá trình thực hiện không được điều chỉnh mục tiêu hay tổng kinh phí, trong khi các đề tài nghiên cứu luôn có tính rủi ro.
Nếu không bàn giao sản phẩm cuối như cam kết thì nhà khoa học phải hoàn trả tiền ngân sách nhà nước tối thiếu là 40% tổng kinh phí đề tài; nếu do lỗi chủ quan phải trả 100% kinh phí đề tài. Trường hợp nhà khoa học muốn gia hạn vì lý do nào đó thì Bộ chỉ cho thời hạn không quá 12 tháng.
Phạm Hương