Bên cạnh 7 nhà khoa học danh tiếng thế giới, Hội nghị khoa học cơ bản và xã hội diễn ra Quy Nhơn (Bình Định) còn đón thêm người được cho là có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực khoa học và công nghệ Nhật Bản - ông Koji Omi. Ông là người thành lập Diễn đàn khoa học và công nghệ đối với xã hội - tổ chức xây dựng mạng lưới giữa nhà khoa học, hoạch định chính sách và doanh nhân nổi tiếng.
Theo thông tin của Hội Gặp gỡ Việt Nam, rất khó để mời được ông Koji Omi, ngay cả giáo sư Jerome Friendman (Nobel Vật lý 1990) thuộc diễn đàn trên cũng không thể mời được. "Nhưng ông Koji Omi sẽ đến Quy Nhơn vì thấy nội dung của các hội nghị khoa học hay và thú vị", trợ lý giáo sư Trần Thanh Vân cho biết.
Ông Koji Omi là nhân vật chính trị quan trọng và là một trong những người có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực khoa học và công nghệ Nhật Bản. Trong đó phải kể đến vai trò trung tâm trong việc ban hành Luật cơ bản của khoa học và công nghệ Nhật Bản năm 1995, góp phần lớn trong việc hiện thực hóa định hướng Nhật Bản trở thành một quốc gia khoa học và công nghệ.
Ông Koji Omi sinh năm 1932 tại Gunma, Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp Đại học Hitotsubashi năm 1956, ông làm việc tại Bộ Thương mại quốc tế và Công nghiệp Nhật Bản (MITI). Năm 1983, ông được bầu vào Hạ viện ở quận 1 Gunma với số phiếu cao nhất đối với một ứng cử viên mới, độc lập.
Trong suốt 26 năm tại Hạ viện, ông Koji Omi đảm nhiệm nhiều chức vụ trong đảng cầm quyền Dân chủ tự do Nhật Bản (LDP) và 3 lần phục vụ trong nội các với các cương vị: Bộ trưởng Tài chính (2006-2007), Bộ trưởng Khoa học và Chính sách công nghệ cho Okinawa và vùng lãnh thổ phía Bắc (2001-2002) và Bộ trưởng Quy hoạch kinh tế (1997-1998).
Năm 2004, ông thành lập Diễn đàn Khoa học và Công nghệ đối với xã hội (STS forum), một tổ chức phi lợi nhuận, với mục tiêu xây dựng mạng lưới trên toàn thế giới giữa các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, doanh nhân và nhà báo.
Chương trình "Gặp gỡ Việt Nam" diễn ra tại Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) từ 26/6 đến 17/12. Đây là sự kiện khoa học quan trọng của Việt Nam với sự tham dự của hơn 1.600 đại biểu. Đến từ Nhật lần này còn có giáo sư Takaaki Kajita, đoạt giải Nobel Vật lý năm 2015.
Phạm Hương