Ông Phan Tấn Bện, 55 tuổi, ngụ tại Ấp 5, xã Mỹ Đông (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) là nông dân sáng chế ra 15 loại máy móc, xuất xưởng hơn 2.000 chiếc phục vụ nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long và nhiều khu vực khác.
Ông Phan Tấn Bện, kỹ sư nông dân có 15 sáng chế. Ảnh: H.P. |
Sản phẩm ông tự hào nhất là chiếc máy cuốn rơm tự hành. Chiếc máy ra đời dựa trên ý tưởng biến rơm thành tiền, khi ông nhìn thấy nguồn nguyên liệu bao la của vùng và nhu cầu sử dụng rơm cho trâu bò ăn, làm nấm, ủ gốc cây thanh long, làm phân vi sinh... "Thị trường cần thì mình cung cấp thôi", ông nói giản dị.
Chiếc máy được nghiên cứu trong nhiều năm, dựa trên nền tảng của máy gặt đập liên hợp. Máy chạy bằng xích cao su nên hoạt động được ở nơi đất sình lầy và nhiều địa hình khác, khắc phục nhược điểm của các sản phẩm nội địa và máy nhập khẩu đang có trên thị trường chỉ chạy được trên mặt ruộng khô.
Bộ phận cuộn rơm nằm ở phía trước giúp người lái dễ thao tác, điều chỉnh cuộn rơm to nhỏ theo nhu cầu. Rơm cuộn xong được đưa vào thùng chứa ở phía sau. Thùng chứa lớn cho phép chở tối đa 30 cuộn hoặc một tấn nông sản về nơi bảo quản. Chiếc máy chạy bằng động cơ diesel cho năng suất 80-120 cuộn mỗi giờ. Mỗi ngày, 2 nhân công vận hành có thể cuốn sạch rơm trên 4 ha ruộng. Hiện tại ở đồng bằng sông Cửu Long, mỗi cuộn rơm bán ở ruộng có giá 15.000-20.000 đồng, nếu giao tận nơi thì giá tăng lên 35.000- 40.000 đồng.
Giá của máy cuốn rơm tự hành hiện nay là 286 triệu, hiện còn cao so với khả năng của nhiều nông dân. Song từ khi đưa ra thị trường đến nay, ông Bện đã bán được hơn 30 chiếc. Công nhân ở xưởng lắp ráp không kịp để bán. Tháng 10 vừa qua, ông mang đi Chợ khoa học công nghệ Techmart ở Hà Nội giới thiệu cho nhiều người biết. Ông đang làm thủ tục đăng ký sáng chế cho chiếc máy.
Là chủ Công ty TNHH MTV Cơ khí nông nghiệp Phan Tấn, nhưng ông Bện vẫn nhận mình chỉ là kỹ sư nông dân, thích làm những loại máy móc phục vụ bà con. Nhờ những chiếc máy, cuộc sống gia đình từ chỗ nghèo khó tiến đến ổn định, 3 người con đều được học hành đầy đủ. Con trai cả của ông mới tốt nghiệp khoa chế tạo máy, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cũng đi theo con đường của bố. Thành quả ông có được là hành trình phấn đấu 30 năm, với xuất phát điểm từ tiệm cơ khí nhỏ trong căn chòi lá hơn 4 m2.
Nhớ lại thời điểm 1985, anh kỹ sư Phan Tấn Bện tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP HCM, rồi về công tác ở trạm máy kéo của Chi cục cơ khí tỉnh Đồng Tháp. Cuộc sống quá khó khăn nên năm 1991, anh kỹ sư rời trạm, mở tiệm cơ khí nhỏ ở nơi hẻo lánh của huyện Tháp Mười và làm thêm mấy công ruộng mưu sinh.
"Bố cho được một chiếc đầu máy, anh trai cho mượn một ít tiền. Tôi đi Sài Gòn sắm đồ nghề hết khoảng một cây vàng. Thời điểm đó, cơ khí chưa phát triển, đồ nghề cũng chưa có nhiều. Trong căn chòi lá hơn 4 m2, tôi với một đứa học việc cứ hì hục sửa mấy chiếc máy cho bà con, chủ yếu kiếm kế sinh nhai chứ chưa có ý nghĩ lớn lao về sáng chế này nọ", ông nhớ lại.
Dần dà, thấy nhu cầu sử dụng các loại máy nông nghiệp của bà con lớn nên ông bắt đầu nghĩ cách chế tạo. Sản phẩm đầu tiên là máy bơm nước cũng khá nổi tiếng trong vùng, rồi xe chở nông sản, máy sấy nông sản, máy thu hoạch bắp hai trong một… nối tiếp nhau ra đời.
30 năm qua, hàng nghìn máy móc ra đời đều do ông tự quay vòng vốn để làm chứ không có ai hỗ trợ. "Bằng cách nào đó, nhà nước nên có thêm chính sách hỗ trợ cho những nhà khoa học không chuyên. Để nghiên cứu trong thời gian 30 năm như tôi thì nhiều người già mất, hết cơ hội rồi", ông nói.
Tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 9 vừa được tổ chức tại Hà Nội, ông là điển hình tiên tiến được chọn lên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. "Mình chỉ biết làm tốt công việc của mình thôi chứ không biết nói. Lúc được chọn lên giao lưu nói dở quá à", ông cười cho hay.
Hoàng Phương
Biên tập video: Nhật Quang