Báo cáo điều tra khảo sát năm 2011 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật tại 6 tỉnh Quảng Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An, Điện Biên, Kon Tum và Đăk Lăk cho thấy, quần thể hổ hoang dã còn khoảng từ 27 đến 47 cá thể. Nhưng theo nhóm nghiên cứu, số lượng này bao gồm cả hổ ở Campuchia và Lào, bởi khu vực phát hiện hổ đều ở khu rừng đặc dụng có chung biên giới với hai quốc gia này. Điều này cho thấy, số lượng hổ ở ba nước Đông Dương rất thấp và ở mức cực kỳ nguy cấp.
Một năm sau Việt Nam chỉ còn 30 cá thể hổ. Con số này vào năm 2015 ước tính là dưới 5 theo Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). "Việt Nam đã mất đi tê giác cuối cùng, liệu hổ có nối gót?", đại diện Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cảnh báo và cho biết Campuchia tuyên bố hổ tại quốc gia này đã tuyệt chủng.
Đến nay dù không có thêm khảo sát, nhưng nhiều nhà khoa học tin rằng Việt Nam không còn hổ hoang dã. Lý giải về điều này, một chuyên gia cho biết để thực hiện được các nghiên cứu và khảo sát thì cần có dấu hiệu về sự xuất hiện của hổ ở một địa phương nhất định. Theo giám đốc một Vườn quốc gia, lâu lắm rồi ông và đồng nghiệp không nhận được thông báo về vết chân hay những lần gia súc bị loài này ăn thịt như trước.
"Hổ hoang dã Việt Nam có thể đã biến mất. Nếu có thì chúng thường phân bố ở khu vực giáp biên giới với Lào và Campuchia, từ Nghệ An đến Quảng Nam; Chư Mon Ray (Kon Tum); Bù Gia Mập (Bình Phước), nhưng tần suất xuất hiện của loài rất ít và gần như không có", ông nói.
Ông Thomas Gray, Giám đốc về loài của WWF-Greater Me Kong cũng đồng tình quan điểm trên. "Hiện không có số liệu cập nhật về sự xuất hiện của hổ tại Việt Nam, khả năng cao loài này đã tuyệt chủng", ông nói.
Trường hợp hổ còn tồn tại thì cũng chỉ rất ít và nằm rải rác tại các khu rừng nên không có khả năng tái tạo sinh sản và dần dần sẽ tuyệt chủng. "Đó là cảnh báo đối với ngành bảo tồn động vật có vú lớn tại Việt Nam khi tê giác đã tuyệt chủng; hổ có thể đã tuyệt chủng và voi thì bên bờ tuyệt chủng nếu như không có hành động bảo tồn mạnh mẽ", đại diện của WWF nói.
Theo giới chuyên gia, số lượng hổ ngày càng suy giảm và đi đến tuyệt chủng là do bị con người săn bắt, buôn bán trái phép. Từ năm 2008 đến nay có hàng trăm vụ buôn bán trái phép hổ được phát hiện và xử lý.
Việc phá rừng, chuyển đổi đất cũng là lý do đẩy loài thú lớn như voi, tê giác, hổ đến tuyệt chủng vì thiếu thức ăn và nơi cư trú. Hổ phân bố rải rác thành các quần thể nhỏ, không có sự giao lưu, trao đổi di truyền cũng có thể dẫn đến hiện tượng suy thoái nguồn gene.
Sắp tới Campuchia có chương trình tái thả hổ về khu vực đồng bằng phía đông, đại diện WWF cho rằng đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam nếu thực hiện công tác bảo tồn tốt, bởi "hổ ở nước bạn sẽ qua lại khu biên giới".
Phạm Hương